Hàng loạt chung cư đang thi công, chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng chủ đầu tư đã đưa người dân vào ở. Thậm chí, hàng chục dự án chung cư vi phạm trật tự xây dựng, chưa được công nhận đạt điều kiện PCCC vẫn đưa dân vào ở hơn chục năm nay.
|
Cháy chung cư Xa La (Hà Đông) vào thời điểm cuối năm 2016. Ảnh: C.TUÂN. |
Với những chung cư này, nguy cơ cháy nổ hiển hiện. Cơ quan quản lý cũng nhiều lần ra văn bản, thực hiện chiến dịch siết lại an toàn PCCC nhưng mức phạt hành chính cao nhất chỉ 200 triệu đồng. Số tiền này, theo nhiều ý kiến là quá nhỏ so với lợi nhuận xây nhà vượt tầng hoặc buộc phải lắp đặt PCCC hoàn thiện cho các tòa nhà.
Dân về ở vẫn “trắng” PCCC
Chiều 27.3, tại sảnh chung cư Golden Silk (Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn đang là công trường thi công, trên tường nhà, những công nhân đang hối hả quét sơn. Các phòng tại tầng 1 tòa nhà cũng chất đầy vật liệu xây dựng. Tại lối vào tầng hầm ngập đầy bùn đất, tốp thợ đang đục khoan, gia cố các cột trụ. Theo ghi nhận của Lao Động, khoảng 2 tuần trở lại đây, nhiều cư dân đã sửa sang nội thất, dọn đồ chuyển về ở. Đáng lo ngại nhất là hệ thống PCCC của công trình chưa được hoàn thiện, chưa diễn tập PCCC. “Nhận bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện như vậy thì nhận làm gì? Chúng tôi không thể đưa gia đình mình vào sống giữa công trường, tiềm ẩn biết bao nguy hiểm” - một người dân tầng 12 cho biết.
Tại chung cư Ellipse Tower (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), vào thời điểm đầu năm 2017 vẫn còn nhiều hạng mục chưa xong, nhiều cư dân đã vào ở. Một trường hợp khác, chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, Hà Nội) đã thực hiện bàn giao nhà cho khách mua từ tháng 9.2016 nhưng cho đến nay, công trình vẫn đang trong cảnh thi công ngổn ngang nhưng hàng trăm cư dân đã dọn về ở.
Việc mất an toàn phòng chống cháy nổ không chỉ diễn ra với các chung cư đang hoàn thiện mà với các chung cư đi vào hoàn thiện cả chục năm vẫn xảy ra. Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội vừa công bố danh sách 38 nhà cao tầng không đảm bảo điều kiện PCCC. Trong đó, hầu hết những chung cư này người dân đã chuyển về sinh sống ổn định, có chung cư dân về ở gần chục năm nhưng chủ đầu tư vẫn không được nghiệm thu về PCCC. Cụ thể, chung cư CT1, CT2, CT3, CT4 Khu đô thị Xa La (Hà Đông), CT11, CT12 Khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ. Trong số này, ngày 29.11.2016 đã xảy ra hỏa hoạn tại chung cư CT1 đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân.
Trong khi đó, tại TPHCM cuối năm 2016, trong đợt kiểm tra các chung cư trên địa bàn quận Tân Phú đã phát hiện 5 chung cư cho dân vào ở khi chưa nghiệm thu. Hiện nay, việc xử lý đối với những chung cư này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản buộc chủ đầu tư ngừng bàn giao căn hộ và di dời người dân ra khỏi chung cư.
|
Một phương án chữa cháy tại khu chung cư. Ảnh: C.TUÂN. |
Phạt nhẹ, chủ đầu tư làm liều
Tại TPHCM, vào giữa tháng 3 vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã gửi thư kêu gọi 28 cư dân đang sinh sống trong chung cư cao cấp Viên Ngọc Phương Nam (125/20 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8, TPHCM) di chuyển tạm thời ra ngoài sinh sống để bảo đảm an toàn tính mạng.
Nguyên nhân là do công trình chưa xây dựng hoàn thiện và chưa được cơ quan chức năng kiểm tra công tác nghiệm thu PCCC.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc để “lọt” các chung cư vi phạm là do chủ đầu tư lén lút đưa dân vào ở. Lực lượng thanh tra của sở tại địa bàn không đủ để chốt chặn 24/24 giờ. Ngoài ra, nhiều chung cư khi xây xong phần thô, người dân tự đến hoàn chỉnh nội thất, rồi dọn vào ở nên rất khó kiểm soát. Khi phát hiện, Thanh tra sở kết hợp với UBND quận và phường xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư bố trí chỗ ở tạm để di dời dân ra nhưng không nhận được sự hợp tác của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc chủ đầu tư không chú trọng PCCC là bởi mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Trao đổi với Lao Động, đại tá Tô Xuân Thiều - Phó GĐ Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội - cho hay, mức phạt hành chính cao nhất đối với các vi phạm về an toàn PCCC ở các khu chung cư cao tầng hiện nay mới chỉ 200 triệu đồng.
Theo đại tá Thiều, với mức phạt này, quá nhẹ không đủ sức răn đe hành vi vi phạm PCCC tại các chung cư. Bởi, khi xây vượt quy định mỗi tòa nhà có quy mô cả nghìn mét vuông chỉ cần vượt vài tầng thì tổng giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng nên nhiều chủ đầu tư chấp nhận bỏ ra số tiền quá nhỏ, chỉ 200 triệu là mức phạt tối đa để được tồn tại.
Mặt khác, tuy mức phạt cao nhất chỉ 200 triệu đồng, tuy nhiên, đại tá Thiều thừa nhận: “Tại Hà Nội, hy hữu lắm mới có trường hợp chủ đầu tư bị phạt lên tới 200 triệu đồng. Chủ yếu đều dưới 200 triệu đồng”.
Cháy chung cư cao trên 30 tầng, cứu hỏa có vươn tới?
Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó GĐ Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội - cho rằng, xe cẩu chức năng chính tổ chức chữa cháy, mỗi xe có thùng chỉ đưa được 2 cảnh sát lên để chữa cháy.
Với các chung cư cao tầng, nếu tổ chức cứu nạn bằng xe cẩu thì mỗi lần lên xuống chỉ đưa được 1, 2 người khỏi đám cháy. Theo đại tá Thiều, Việt Nam có xe cẩu cao nhất 72m tại TPHCM, là loại xe cẩu hiện đại, tương đương với các nước phát triển, chiều cao tương đương 24 tầng chung cư. Tại Hà Nội, chỉ có xe cẩu ở độ cao 56m, tương đương 18 tầng.