Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố chưa sát nhập Sở TT&TT vào với bất cứ sở nào, trừ khi Thủ tướng có Nghị định mới về tổ chức, bộ máy.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ, vai trò của một số Sở TT&TT còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương, chỉ làm một số việc về quản lý thông tin, báo chí, còn nói chung lĩnh vực công nghệ, các Sở TT&TT chưa đóng góp nhiều (Ảnh: Chinhphu.vn). |
Trong chia sẻ tại phiên thảo luận ngày 16/1 của hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Bến Tre cho biết, Sở này cũng là một trong những Sở TT&TT có nguy cơ không còn giữ được tên của mình. Tuy nhiên, nhờ có sự can thiệp kịp thời của Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ, vào “phút 89” Sở TT&TT Bến Tre vẫn giữ được tên của mình. “Ngày hôm qua (15/1), dự kiến Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ thông qua Nghị quyết về sáp nhập Sở TT&TT Bến Tre thì ngay trong chiều qua, dự thảo Nghị quyết này đã được rút ra khỏi chương trình nghị sự của Hội đồng nhân dân tỉnh”, đại diện Sở TT&TT tỉnh Bến Tre cho biết.
Vào giữa tháng 11/2018, với quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu về hợp nhất Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Sở TT&TT để thành lập Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu đã là Sở TT&TT đầu tiên bị mất tên gọi.
Liên quan đến câu chuyện của cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT tại địa phương, trong phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức chiều ngày 15/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ rõ một trong những tồn tại, hạn chế của ngành TT&TT chính là vai trò của một số Sở TT&TT mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương, chỉ làm một số việc về quản lý thông tin, báo chí, còn nói chung lĩnh vực công nghệ, các Sở TT&TT chưa đóng góp nhiều.
“Nhân đây, Thủ tướng cũng tuyên bố chưa sáp nhật Sở TT&TT vào bất cứ Sở nào trừ khi Thủ tướng có Nghị định mới về tổ chức, bộ máy”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 đã dẫn ra câu chuyện Sở TT&TT Bạc Liêu bị xóa tên và nhấn mạnh “lao động là chính, thay vì bám vào tờ giấy. Việc mình làm quyết định mình là ai" (Trong ảnh: trụ sở Sở TT&TT tỉnh Bến Tre. Nguồn: Internet). |
Kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắn nhủ các cán bộ trong ngành “phải dám nghĩ lớn rồi mới làm lớn được. Lãnh đạo phải dẫn dắt trước hết bằng việc tưởng tượng ra một tương lai lớn”.
Nêu ra câu hỏi “Ai, cái gì định nghĩa chúng ta?”, Bộ trưởng nhận định, chúng ta thường bám vào văn bản, quyết định. Thực tế, cái định nghĩa chúng ta là việc chúng ta làm.
Dẫn ra câu chuyện Sở TT&TT Bạc Liêu bị xóa tên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh “lao động là chính, thay vì bám vào tờ giấy. Việc mình làm quyết định mình là ai. Nguồn lực của ngành không chỉ đến từ vài nghìn cán bộ ở Bộ mà ở toàn bộ 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành, ở tất cả các Sở. Các giám đốc Sở, lãnh đạo Cục, Vụ cần phải xắn tay vào làm”.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên trang mic.gov.vn hồi trung tuần tháng 11/2018, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của các Sở TT&TT với sự phát triển của ngành: “Để Bộ TT&TT có thể thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT thì vai trò đầu mối, phối hợp của Sở TT&TT tại các địa phương là vô cùng quan trọng, tạo nên sự thông suốt trong chỉ đạo, thực hiện từ trung ương đến địa phương. Số lượng các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở TT&TT là khá nhiều, có nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm có sự vận động nhanh, phát triển liên tục, mang tính công nghệ cao, rất khác với tính chất, đặc thù của các Sở khác. Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành được tổ chức thống nhất, đồng bộ tại tất cả các địa phương để công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT được thống nhất, thông suốt, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển công nghệ, công nghiệp và dịch vụ ICT của địa phương cũng như của đất nước”.
Trước đó, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn), trung tuần tháng 12/2018, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Kết luận 34-KL/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương.
Hai Nghị định này, theo Bộ Nội vụ, sẽ làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.