Lãnh đạo tỉnh An Giang và các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng thông xe cầu Châu Đốc. |
Sáng 23/4, tại TP Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ thông xe cầu Châu Đốc, chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 20,96km, tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, được chia làm 3 gói thầu thi công xây lắp. Sau hơn 24 tháng thi công, gói thầu số 17 (cầu Châu Đốc và đường dẫn vào cầu) đã hoàn thành, vượt tiến độ 9 tháng so với kế hoạch. Cầu Châu Đốc có chiều dài 667m, vốn đầu tư hơn 534 tỷ đồng, gồm 13 nhịp, bốn nhịp chính dài 260m. Mặt cầu rộng 14m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h.
Cầu Châu Đốc nhìn từ trên cao. |
Phát biểu tại lễ thông xe, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, cầu Châu Đốc là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống, góp phần thông tuyến quốc lộ N1, kết nối các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam. Cầu Châu Đốc còn là đòn bẩy, tạo động lực trong phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…
Cầu Châu Đốc chính thức được thông xe. |
“Có cầu Châu Đốc, người dân được nhờ nhiều lắm, bởi nhiều năm nay chúng tôi đi lại bị phụ thuộc vào phà. Vào giờ cao điểm sáng, chiều, đông nhất là các dịp lễ hoặc Tết thì phải mất khoảng 30 phút mới sang được bên kia sông. Nay sắp có cầu mới, tôi và mọi người rất vui”, chị Nguyễn Thị Lan (ngụ TP Châu Đốc) vui mừng chia sẻ.
Cầu Châu Đốc thông xe, phà Châu Giang (nối đôi bờ sông Hậu, ở An Giang) sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 5/5, kết thúc sứ mệnh đưa khách sang sông sau khoảng 30 năm. Gần 70 nhân viên phà được bố trí sang các phà lân cận.
Cầu Châu Đốc hoàn thành sớm, được thông xe và đưa vào sử dụng là niềm vui, niềm phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang, nhất là người dân TX Tân Châu và TP Châu Đốc. Từ đây, việc giao thông đi lại, học tập, làm việc, lao động, mua bán, vận chuyển hàng hóa cũng thuận tiện, dễ dàng hơn. Đồng thời, góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đây cũng là niềm vui, mong chờ chung của nhiều người dân.