Gần đây, nhiều người dùng cho biết họ liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ, nhưng chỉ nháy máy rồi tắt hoặc không có bất kỳ âm thanh nào khi bắt máy. Theo các chuyên gia, ngoài nguy cơ bị tính phí viễn thông cao, những cuộc gọi "bẫy" này có thể nhằm mục đích thu thập thông tin người dùng, tạo điều kiện cho các chiêu thức lừa đảo tinh vi hơn.
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo qua những cuộc gọi im lặng
Thời gian gần đây, nhiều người dùng phản ánh liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ nhưng chỉ nháy máy rồi tắt hoặc không có bất kỳ phản hồi nào khi nghe máy. Theo các chuyên gia, ngoài nguy cơ bị trừ tiền bất thường, đây có thể là chiêu thức thu thập dữ liệu để phục vụ các hình thức lừa đảo tinh vi hơn.
 |
Người dùng cần cảnh giác đối với cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ, đặc biệt là các số quốc tế không rõ nguồn gốc. |
Những cuộc gọi đáng ngờ
Chị Nguyễn Mỹ Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết gần đây thường xuyên nhận được những cuộc gọi nhưng không nghe thấy ai nói. Chị thường chờ vài giây, nếu không có phản hồi sẽ lập tức tắt máy. Dù hiểu rõ về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, nhưng do thói quen mua hàng online, chị vẫn phải nghe máy từ các số lạ để tránh bỏ lỡ cuộc gọi của shipper.
Tương tự, anh Trần Văn Đạt (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng do làm dịch vụ nên anh có thói quen gọi lại khi thấy cuộc gọi nhỡ, phòng trường hợp khách hàng cần hỗ trợ. Tuy nhiên, sau vài lần gọi lại, anh nhận thấy tài khoản điện thoại hao hụt nhanh chóng. Từ đó, anh buộc phải thay đổi thói quen, hạn chế gọi lại số lạ hoặc tắt máy ngay nếu không có phản hồi từ đầu dây bên kia.
Mánh khóe tinh vi để bẫy người dùng
Theo các chuyên gia của Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia, các cuộc gọi "không nói gì" có thể do lỗi kỹ thuật hoặc là chiêu thức của kẻ gian để kích thích sự tò mò, khiến người dùng gọi lại. Khi đó, họ có thể bị tính phí viễn thông cao bất thường dù không nhận được bất kỳ thông tin nào.
Hình thức này từng xuất hiện phổ biến ở Mỹ và châu Âu từ nhiều năm trước, nay quay lại và xuất hiện tại Việt Nam. Những kẻ lừa đảo sử dụng thiết bị tự động để gọi ngẫu nhiên đến hàng triệu số điện thoại trên toàn cầu. Đặc biệt, các số giả mạo thường được thiết kế giống mã vùng trong nước, khiến người dùng nhầm lẫn và gọi lại, dẫn đến việc bị tính phí từ vài nghìn đến hàng chục nghìn đồng mỗi phút.
Theo ông Đỗ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Điều hành An ninh mạng CMC, mục tiêu chính của những cuộc gọi này là xác thực dữ liệu thu thập được, phân loại người dùng để phục vụ các kịch bản lừa đảo sau này. Chẳng hạn, kẻ gian có thể xác minh số điện thoại nào đang hoạt động, sau đó bán dữ liệu cho các bên quảng cáo hoặc sử dụng cho các cuộc gọi làm phiền, thậm chí giả danh để lừa đảo.
Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) còn có thể giúp kẻ xấu thu thập giọng nói của nạn nhân nhằm phục vụ cho các cuộc gọi lừa đảo giả danh người thân hoặc giả mạo danh tính để thực hiện hành vi phạm pháp.
Cách phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo
Các chuyên gia của Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo rằng cuộc gọi quốc tế thường hiển thị dấu “+” hoặc “00” ở đầu, nếu hai số tiếp theo không phải là “84” (mã nước Việt Nam) thì người dùng cần cảnh giác.
Ngoài ra, để tránh rủi ro:
- Không gọi lại các số lạ, đặc biệt là số quốc tế không rõ nguồn gốc.
- Nếu không có nhu cầu liên hệ với nước ngoài, người dùng có thể yêu cầu nhà mạng chặn các cuộc gọi quốc tế.
- Khi nhận cuộc gọi nháy máy 1-2 giây rồi tắt, tuyệt đối không gọi lại để tránh bị trừ tiền oan.
Việc nâng cao cảnh giác và thay đổi thói quen nghe, gọi có thể giúp người dùng tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo viễn thông đang ngày càng tinh vi.