Phòng giáo dục và đào tạo huyện Bắc Quang hồi âm thông tin báo Pháp luật Việt Nam phản ánh nhưng bạn đọc yêu cầu làm rõ trách nhiệm của vị này.
Liên quan đến vụ Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Quang dùng văn bản trái luật "chỉ đạo" cấp dưới ký hợp đồng dịch vụ mạng mất quyền chọn đối tác để tiết kiệm chi ngân sách.
Ngày 29/3/2019 Phòng giáo dục và đào tạo huyện Bắc Quang đã có văn bản số 107/PGĐT-TH hồi âm nội dung mà báo Pháp luật Việt Nam phản ánh.
Theo nội dung văn bản, Phòng GD & ĐT huyện Bắc Quang rất lấy làm tiếc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với mong muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho các nhà trường nên đã ban hành Công văn số 80/PGDĐT-TH ngày 12/3/2019.
|
Trụ sở Phòng GD&ĐT nơi ban hành văn bản trái quy định pháp luật. |
Sau khi xem xét các văn bản hiện hành chúng tôi đã thay thế bằng công văn số 98/PGDĐT-TH ngày 25/3/2019, về việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch BHXH, Thuế, Kho bạc Nhà nước.
Phòng GD & ĐT huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xin được trân trọng cảm ơn quý báo đã có sự quan tâm đến một số hoạt động về ứng dụng CNTT của ngành GD & ĐT huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên sau khi báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết: Trưởng phòng giáo dục huyện Bắc Quang áp đặt cấp dưới bằng văn bản trái luật đã nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc cũng như dư luận cả nước nói chung và bạn đọc của tỉnh Hà Giang nói riêng với rất nhiều ý kiến, bình luận bức xúc về cách điều hành quản lý của ông Phạm Hồng Thanh, Trưởng phòng giáo dục huyện Bắc Quang.
|
Công văn phản hồi báo Pháp luật Việt Nam của Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang. |
Cụ thể bạn đọc, Hoàng Thị Chi bình luận: “ Nhân quả là có thật. Ngày trước thầy trù học sinh để 12 năm bạn ấy đi học không được thi tốt nghiệp cấp 3. Giờ bạn ấy vẫn sống tốt cuộc sống cũng tạm ổn. Thầy ơi ông trời có mắt đấy…”.
Bạn đọc Phạm Thị Huệ thì bình luận ngắn gọn: “Đã đến lúc trả giá cho cuộc đời…”.
Bạn đọc Tomboynd còn cho biết: “Ông này (tức ông Thanh, trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang) có anh em với ông Sơn, chủ tịch tỉnh. Nên con đường quan lộ thăng tiến nhanh lắm. Hồi xưa là giáo viên thể dục thôi mà.
Mới leo lên chức trưởng phòng được mấy năm nay, nhà to, xe đẹp nhiều lắm. Một con sâu to đùng của tỉnh Hà Giang. Giáo viên mới, giáo viên cũ chuyển đến hoặc đi mà không đến nhà quà cáp là không yên với ông (tức ông Thanh –PV) đâu. Cái này là sự thật. Ai không tin cứ lên đến Bắc Quang hỏi bất kỳ 1 giáo viên nào về vị trưởng phòng này sẽ rõ ngay…”.
|
Một số bình luận của độc giả về vị trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Bắc Quang. |
Nhiều bạn đọc còn gửi cả email, gọi điện qua đường dây nóng của tòa soạn điện tử Phapluatplus.vn (Báo Pháp luật Việt Nam) cung cấp thông tin và đề nghị làm rõ trách nhiệm của vị Trưởng phòng giáo dục huyện Bắc Quang khi ban hành văn bản mang tính áp đặt rồi lại sửa sai bằng văn bản khác sẽ bị xử lý như thế nào?
Để rộng đường dư luận, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (quyền giám đốc Sở) cho biết: “Việc này tôi không trao đổi qua điện thoại đề nghị anh em (tức – PV) lên làm việc trực tiếp tôi sẽ cung cấp và trả lời thông tin cụ thể.
Mặt khác phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang để làm rõ trách nhiệm của ông Phạm Hồng Thanh khi ban hành văn bản trái luật mang tính áp đặt cấp dưới đều không nhận được câu trả lời từ vị Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang.
Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang nhanh chóng vào cuộc làm rõ trách nhiệm cá nhân của vị Trưởng phòng giáo dục huyện Bắc Quang để có câu trả lời cho bạn đọc.
Trước đó, điều đáng nói ở đây không biết vô tình hay cố ý mà Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang ông Phạm Hồng Thanh đã có “chỉ đạo” thẳng trong văn bản số 80/PGDĐT-TH với nội dung áp đặt cho các trường trực thuộc: “Các đơn vị chủ động liên hệ với nhà cung cấp VNPT VinaPhon Bắc Quang mà trực tiếp là bà Đặng Thị Vân ký hợp đồng cung cấp thiết bị chữ ký số cho các chức danh lãnh đạo, kế toán...”
Văn bản của Phòng GD&ĐT 80/PGDĐT-TH này có viện dẫn trên cơ sở thực hiện văn bản số 422/UBND – KTTH ngày 19/2/2019 về việc chỉ đạo tăng cường làm việc trong môi trường mạng, giao dịch trực tuyến và Công văn số 89/KBHG-KSC ngày 7/3/2018 của Kho Bạc nhà nước Hà Giang về việc đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến và công văn số 692/KBNN-THPC, ngày 1/2/2019 của Kho Bạc nhà nước về việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa Kho Bạc nhà nước với các đơn vị giao dịch.
Giải thích về việc này, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang giải thích: Phòng GD&ĐT không áp đặt sự lựa chọn với các trường khi chọn nhà mạng cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử.
Phòng GD&ĐT dựa trên căn cứ để ban hành văn bản 80/PGDĐT-TH như đã nêu ở trên là thực hiện theo văn bản số 422/UBND – KTTH ngày 19/2/2019 về việc chỉ đạo tăng cường làm việc trong môi trường mạng, giao dịch trực tuyến và văn bản số 89/KBHG-KSC ngày 7/3/2018 của Kho Bạc nhà nước Hà Giang.
Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được biết, văn bản số 89/KBHG-KSC ngày 7/3/2018 của Kho Bạc nhà nước Hà Giang đã được đính chính bằng văn bản số 142/KBHG-KSC ngày 12/4/2018 do Giám đốc Hoàng Văn Hạ đã ký có nội dung: “Điều kiện tham gia dịch vụ công trực tuyến KBNN: Đơn vị có thể đăng ký chứng thư số chuyên dùng với Ban Cơ yếu Chính phủ theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BQP ngày 1/2/2016 của Bộ Quốc phòng.
|
Văn bản số 80/PGDĐT-TH của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang ông Phạm Hồng Thanh ký gửi các trường trực thuộc bị yêu cầu thu hồi. |
Các chức danh của đơn vị sử dụng ngân sách cần thực hiện chữ ký số trên dịch vụ công trực tuyến của KBNN gồm: Chủ tài khoản và kế toán trưởng theo mẫu 01/DS gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện chứng thực chữ ky số công cộng như: FPT, VNPT, VIETTEL…. để đăng ký chứng thư số”.
Thế nhưng không hiểu sao Phòng GD&ĐT Bắc Quang lại “biến tướng” hay “ưu ái” cho nhà cung câp VNPT mà ban hành công văn như “chỉ định” cấp dưới liên hệ ký hợp đồng với nhà cung cấp mạng VNPT Vinaphone?
Theo phản ánh của một số đại diện nhà trường trực thuộc phòng Giáo dục Bắc Quang thì văn bản số 80/PGDĐT-TH của Trưởng phòng GD&ĐT vô hình đã ấn định lãnh đạo các trường buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ mạng VNPT rất khó cho phía các nhà trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Dương Tiến Son - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Sau khi nhận thông tin đã kiểm tra lại và yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang thu hồi văn bản số 80/PGĐT-TH. Đồng thời ông Son khẳng định yêu cầu Phòng GD&ĐT tạo điều kiện để các trường thực hiện chủ động lựa chọn nhà mạng cung cấp dịch vụ VT-CNTT trên địa bàn huyện.
Cũng trong quá trình thực hiện công tác ứng dụng Công nghệ thông tin và làm việc trên môi trường mạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang khiến nhiều lãnh đạo trường học phải “đau đầu” vì không được lựa chọn nhà cung cấp gói cước tích hợp dịch vụ VT, CNTT.
Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, trước đó việc thực hiện ứng dụng Công nghệ thông tin và làm việc trên môi trường mạng, năm 2018 các trường đã ký hợp đồng cung cấp gói cước tích hợp dịch vụ VT, CNTT với nhà cung cấp dịch vụ VNPT trị giá 6.600.00đồng/1năm đây là một khoản không nhỏ đối với các trường.
Nhưng bên cạnh đó các nhà cung cấp khác như VIETTEL cũng gói dịch vụ như vậy chỉ chào, gửi đến các trường, đơn vị ở mức 3.135.000đồng; sau khi ký hợp đồng, nhà cung cấp đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật cho các trường trong quá trình vận hành.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.