Là thương binh với thương tật 81%, ông Trần Quang Liệu (sinh năm 1954, tổ 19 Sài Đồng, Long Biên - ảnh) vẫn đau đáu và quyết tâm thực hiện ước mơ được học tập và cống hiến. Với nỗ lực không ngừng, ông Liệu đã tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp và trở thành giáo viên dạy toán. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục truyền lửa, kèm cặp biết bao thế hệ học trò, nhiều người đã công thành danh toại.
|
Ông Trần Quang Liệu. |
Vết thương chiến tranh hằn theo năm tháng
Theo tiếng gọi của đất nước, năm 1971, ông Trần Quang Liệu dù mới 17 tuổi nhưng vẫn xung phong nhập ngũ. Hành quân ròng rã ngày đêm, ông Liệu đóng quân và chiến đấu trong chiến trường Bình Định.
Ông Liệu chia sẻ: Khi vào chiến trường bom đạn này, ai ai cũng một lòng quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tháng ngày ở chiến trường, nếm mật nằm gai chúng tôi không bao giờ quên được. Trong một trận giao tranh với quân địch, ông bị mảnh pháo của định bắn trực diện vào khuôn mặt. Ông Liệu chỉ vào vết thương bên trái trên khuôn mặt rồi kể lại: “Mảnh pháo bắn vào khuôn mặt khiến cả bên mặt trái và mắt trái của tôi bị thương nặng. Nay, vết thương liền lại khiến khuôn mặt bị vẹt đi một phần”.
Chiến tranh khốc liệt, những người lính bị thương nặng cũng không được chuyển ngay ra ngoài Bắc. Tạm thời, ông Liệu được điều trị ngay tại chiến trường, phải đến nửa năm sau vết thương của ông mới lành lặn và ông được chuyển về tuyến sau. Đến năm 1973, ông Liệu được đưa về đoàn an dưỡng tại trại xã hội Ân Thi, Hưng Yên. Qua giám định thương tật, ông Liệu là thương binh ¼, thương tật 81%.
“Người gầy gò, vết thương nặng ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng. Quãng thời gian sinh sống tại trại xã hội, tôi cảm thấy cuộc sống nhàm chán, lặp lại và chỉ hoạt động khoanh vùng trong một khu vực. Không thể để cả cuộc đời gắn bó với nơi này, tôi mong muốn tiếp tục lao động, làm những việc có ích cho xã hội” - ông Liệu chia sẻ.
“Cú hích” ngoạn mục
“Xin về quê hương là một quyết định mạo hiểm. Khi đó ở địa phương đang hừng hực khí thế lao động, tăng gia sản xuất. Ảnh hưởng của vết thương khiến sức khỏe tôi rất yếu nên phải tính toán kỹ lưỡng khi đó về quê sẽ làm gì” - ông Liệu kể lại băn khoăn.
Khi đi học, ông Liệu vốn là học sinh ham học, có thành tích nổi bật với môn toán. Lúc ở chiến trường, ông luôn đau đáu, trăn trở và ao ước hòa bình lập lại sẽ có cơ hội tiếp tục theo đuổi sự đam mê với môn học này.
Để thực hiện được mơ ước đó, ông Liệu sang nhà bạn mượn đôi ba quyển sách để ôn tập. Một tháng ròng rã, ông Liệu đọc sách ngày đêm. Và công sức của ông đã được đền đáp, tháng 11.1975, ông vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận được giấy báo đỗ khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp.
“Sau khi ra trường và mấy chục năm làm giáo viên toán ở Hưng Yên, tôi trở về dạy cấp 3 tại quê nhà. Khi về hưu tôi luôn mong muốn được truyền cảm hứng sống, kiến thức môn toán tích lũy được cho các cháu học sinh nên tiếp tục tham gia dạy học” - ông Liệu chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình muốn gửi gắm, nhờ ông Liệu kèm cặp. Đến nay, hàng trăm học sinh được ông Liệu giúp đỡ, dạy dỗ và truyền cảm hứng học tập.
Hình ảnh thầy giáo thương binh, dù chỉ còn một bên mắt sáng, ông Liệu đã khơi dậy tinh thần học tập và ý chí của biết bao học sinh. Dạy dỗ hoàn toàn bằng tâm huyết của bản thân, chỉ cần nhìn các cháu từng kèm cặp giờ là những bác sĩ, kỹ sư, giám đốc công ty kinh doanh, ông Liệu thấy mỉm cười ngày tháng ông cháu cùng học toán không vô ích.
Có những người từng là học trò của ông Liệu phải thốt lên rằng: “Không có bác, cháu không có ngày hôm nay”. Sự thành đạt của học trò là nguồn động lực cổ vũ để ông Liệu tiếp tục truyền dạy kiến thức cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.