Hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho việc xác định thế nào là bông phế nói chung, bông rơi chải kỹ nói riêng... Việc định danh bông phế không đơn thuần chỉ dựa trên tỷ lệ tạp chất.
Tính chất các loại bông rơi làm nguyên liệu cho sản xuất sợi OE
Sợi OE chủ yếu được dùng làm khăn mặt, vải bò (denim), găng tay hoặc các dây đai... Sợi OE cao cấp có thể làm vải dệt kim cho áo T-shirt.
Chi số phổ biến của sợi OE từ Ne 12-28 và nguyên liệu sản xuất thường cần 50-70% là các bông rơi kể trên.
Sợi OE dùng cho găng tay chi số Ne 8 -10 sử dụng các loại bông ngắn thậm chí có thể tận dụng lại bông rơi máy chải của sợi OE chi số cao hơn và dùng gần như 100% các loại bông rơi kể trên.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), ngoài bông rơi chải kỹ, hiện nay các doanh nghiệp sợi OE tại Việt Nam đang nhập 06 nhóm sản phẩm bông rơi làm nguyên liệu chính cho sản xuất sợi OE:
Nhóm 1: Bông rơi từ quá trình cán bông (Gin motes): Là bông còn dính các vỏ hạt bông, cành, lá rơi xuống trong quá trình máy cán bông tách xơ bông (bông nguyên – raw cotton) ra khỏi quả bông được thu hoạch từ cánh đồng về.
Xơ bông trong gin motes có chiều dài và cường lực tốt, gần tương tự bông nguyên nhưng tạp nhiều, về thể tích/diện tích tạp ít (khoảng 2-3%) nhưng do xơ bông nhẹ nên tính theo trọng lượng, tỷ lệ tạp cao, chiếm khoảng 30-40% tổng trọng lượng gin motes.
Vì thế gin motes về bản chất là bông nguyên cấp thấp dưới tiêu chuẩn nhưng do tỷ lệ tạp cao, loại bông này thường được nhà sản xuất bông/sợi tiến hành cán/cào lại lần nữa để loại bớt tạp (xuống còn khoảng 10-20%) trước khi cho vào pha trộn để sản xuất sợi OE.
|
Việt Nam đang nhập 06 nhóm sản phẩm bông rơi làm nguyên liệu chính cho sản xuất sợi OE. |
Nhóm 2: Bông được làm sạch từ bông rơi cán bông (Regin): để làm giảm lượng tạp, bông gin motes thường được tiến hành cào, cán bằng máy một lần nữa để tiếp tục loại bỏ tạp là vỏ hạt, lá, cành và mùn để thu được xơ bông nguyên.
Sản phẩm của quá trình này là tập hợp các xơ bông nguyên đã được làm sạch, loại bớt tạp. Tỷ lệ tạp còn lại (trọng lượng) của bông re-gin cotton khoảng 10-20%. Bông này có thể dùng trực tiếp cho bàn bông sản xuất sợi OE.
Nhóm 3: Bông rơi từ cung bông (Blowroom dropping): Cung bông là công đoạn đầu tiên của dây chuyền kéo sợi tại đó máy sẽ hút các bông nguyên (cùng tạp) vào hệ thống sơ chế, lần lượt chạy qua các máy tách lọc ở đó nó lọc ra các tạp chất nặng (cành, vỏ quả, lá...), các xơ ngoại lai (vỏ kẹo, giấy, vỏ bao bì ...) còn lẫn trong bông khi thu hoạch bằng cách thổi cả cụm bông khỏi đường ống bằng khí nén.
Quá trình thổi đó lọc ra cả tạp chất lẫn các xơ bông tốt trong búi bông có chứa tạp. Bông rơi từ cung bông là các bông nguyên ban đầu nhưng lẫn nhiều tạp. Tỷ lệ tạp của nhóm này thường ở mức 30-40%.
Tạp của bông này là những mảnh vụn của vỏ, cành, lá bông và một phần cực nhỏ vỏ giấy hoặc vỏ nylon nếu bông nguyên đầu vào là từ Ấn Độ, Châu Phi, Pakistan.
Trường hợp bông nguyên đầu vào từ Mỹ, Úc, Brazil được thu hoạch bằng máy thì không có những tạp chất ngoại lai này.
Loại bông rơi này cần được làm sạch giảm bớt tạp trước khi đưa vào bàn bông để sản xuất sợi OE.
Nhóm 4: Bông rơi gầm máy chải (Lickerin Dropping – LD): Bông nguyên đã được làm tơi, tách lọc một phần tạp nặng, xơ ngoại lai chứa tại hòm trộn của cung bông sẽ được cấp cho các máy chải thô.
Ở giai đoạn đầu của máy chải thô, các trục gai (lickerin) sẽ cào lấy các xơ bông đủ dài, đủ bền, đủ mềm để chuyển sang giai đoạn sau và gạt ra các phần tạp còn dính trên xơ bông.
Quá trình này cũng lọc ra các xơ bông còn dính theo tạp và các bông vón. Phần bông lẫn tạp được giai đoạn đầu của máy chải thô phân loại ra này được gọi là bông rơi trục gai hay bông rơi gầm máy chải (Lickerin Dropping).
Như vậy bông rơi gầm máy chải là bông nguyên lẫn những tạp mịn hơn (chủ yếu là lá, mẩu vụn của cành, vỏ hạt).
Tỷ lệ tạp của loại bông này thường từ 30-45% tùy theo tỷ lệ tạp của bông nguyên đầu vào sử dụng. Tạp của bông này gần như chỉ là mảnh vụn của lá, vỏ quả, cành bông. Loại bông này cũng cần được làm sạch, giảm bớt tạp trước khi đưa vào sản xuất sợi OE.
Nhóm 5: Bông mui máy chải (Flat Strips/Fly Card): Ở giai đoạn sau của máy chải thô, các kim/lược chải của máy sẽ tiếp tục chải cào lấy những xơ bông dài bền để xếp song song lại thành lọn dài liên tục cho ra cúi chải.
Những xơ bông ngắn, nhỏ, mịn, yếu cùng lẫn một ít tạp mịn sẽ được máy lọc ra và thổi vào đường ống gom. Bông được lọc, loại ra từ giai đoạn sau của máy chải thô này gọi là: bông mui máy chải (Flat strip hoặc Fly Card).
Như vậy, bông mui máy chải là các xơ bông ngắn, bông mảnh cùng tạp mịn. Tỷ lệ tạp của bông mui máy chải thường từ 10-12%, bông thường sạch nhưng xơ mảnh và ngắn và có thể đưa vào sử dụng trực tiếp cho sản xuất sợi OE.
Nhóm 6: Bông rơi đã được làm sạch (Processed Cotton/Cleaned Cotton): Để giảm chi phí vận chuyển, các nhà cung cấp bông rơi thường xử lý làm sạch loại bớt tạp của các loại bông rơi cung bông, bông rơi gầm máy chải để cho ra sản phẩm bông rơi đã được làm sạch (Processed Cotton/Clean cotton) trước khi bán cho các nhà máy kéo sợi.
Tuy nhiên giá bán cao hơn vì đã loại bớt tạp và tốn chi phí xử lý làm sạch.
Quá trình xử lý làm sạch chủ yếu được thực hiện bằng việc sàng, cán, cào (tương tự dây bông và công đoạn đầu của máy chải).
Tỷ lệ trọng lượng tạp của bông rơi đã được làm sạch (Processed Cotton) thường từ 10-20%. Bông rơi đã được làm sạch sẽ được dùng trực tiếp cho bàn bông sản xuất sợi OE.
Căn cứ nào để xác định bông rơi chải thô là phế liệu
Theo ý kiến của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tại Công văn số 427/CN-CNHT ngày 26/08/2019 thì “Hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho việc xác định thế nào là bông phế nói chung, bông rơi chải kỹ nói riêng... Việc định danh bông phế không đơn thuần chỉ dựa trên tỷ lệ tạp chất”.
|
Bông rơi không có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường vì thế cần được cho phép nhập khẩu như các hàng hóa nguyên liệu khác. |
Tại Công văn số 7736/BCT-XNK ngày 02/10/2024, Bộ Công thương cho rằng nếu xác định bông rơi chải thô là phế liệu thì việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn bông rơi chải thô là chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại Công văn số 8901/BTC-TCHQ ngày 22/8/2024 của Bộ Tài chính có nội dung: Bộ Tài nguyên và Môi trường bông rơi chải thô là sản phẩm thu được từ quá trình sàng lọc, phân loại bông từ khâu sơ chế ban đầu với thành phần là xơ bông thiên nhiên, dạng nguyên liệu bông có chất lượng thấp hơn (quá trình này là quá trình phân loại thành chính phẩm và thứ phẩm) để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sợi. Tuy nhiên, “Không có Bộ nào khẳng định mặt hàng là phế liệu hay không phải là phế liệu”.
Ngày 22/3/2024, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2972/BTC-TCHQ về việc nhập khẩu bông rơi chải thô làm nguyên liệu sản xuất sợi gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương.
Bộ Tài chính cho rằng: Việc phân loại áp mã của hải quan dựa trên 06 quy tắc phân loại và Danh mục HS của hải quan thế giới.
Do vậy, việc phân loại áp mã của cơ quan hải quan không phải là cơ sở xác định mặt hàng là phế liệu mà việc này phải căn cứ theo quy định pháp luật về môi trường.
Bộ Tài chính cũng cho rằng bông rơi (cả bông rơi chải thô và bông rơi chải kỹ) thu được qua quá trình chải bông ban đầu là một loại bông nguyên liệu (có chất lượng thấp hơn) và được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sợi OE thì tương tự như nội dung Bộ TNMT đã hướng dẫn tại 731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012 và không phải là phế liệu như quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Bông rơi có nguy hại đến môi trường không?
Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho rằng các nhóm bông rơi được mô tả ở trên đều có thành phần chính là xơ bông thiên nhiên, tương tự bông nguyên, được máy lọc ra/phân loại trong quá trình sơ chế cho phù hợp với từng loại sợi sản xuất.
Các tạp chất trong những nhóm bông rơi này là cành, vỏ quả, lá cây bông, là các chất hữu cơ và không chứa các chất độc hại cho môi trường nói chung và còn thường được sử dụng làm nguyên liệu cho trồng nấm, bón cây.
Trong thương mại, để thuận tiện cho các giao dịch và so sánh giá, hợp đồng xuất nhập khẩu thường quy định tạp theo tỷ lệ % trọng lượng. Mặc dù tỷ lệ % tạp theo trọng lượng thường cao nhưng tỷ lệ tạp theo % diện tích thường nhỏ hơn rất nhiều lần (do tạp nặng, bông nhẹ).
Ngay cả bông nguyên (thành phẩm của quá trình cán bông) vẫn còn lẫn tạp (lá, cành, vỏ hạt, mùn) trong đó. Tùy theo nước sản xuất, tùy theo cấp bông, tùy theo công nghệ cán bông mà tỷ lệ tạp này cao hoặc thấp. Bông nguyên cao cấp từ Mỹ, Úc, Brazil được thu hoạch bằng máy thường sạch, không xơ ngoại lai và có tỷ lệ tạp khoảng 1-2.5%.
- nguyên từ Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Phi, Ấn Độ, Pakistan thu hoạch bằng tay, có tỷ lệ tạp cao hơn, đặc biệt từ Thổ Nhĩ Kỳ, loại bông trung bình tạp 6-8%, bông cấp thấp tạp có thể tới 12-14%.
Do đó, VCOSA cho rằng, các nhóm bông rơi kể trên không là phế liệu, không có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường vì thế cần được cho phép nhập khẩu như các hàng hóa nguyên liệu khác.
Theo một số doanh nghiệp sợi OE tại Thái Bình cho rằng, sau khi doanh nghiệp nộp tờ khai hải quan điện tử để thông quan các lô hàng bông thiên nhiên nhập khẩu, các chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ, chi cục Hải quan Thái Bình đã lấy mẫu kiểm tra và yêu cầu Chi cục Kiểm định Hải quan 2 phân tích hàng hóa. Tiếp đó, Chi cục Kiểm định Hải quan 2 đã trưng cầu giám định và gửi mẫu để Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt May giám định. Thật bất ngờ, Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt May đã có kết quả giám định là “bông phế” và sau đó toàn bộ các container hàng hóa đã bị Hải quan giữ tại cảng. |