Hàng loạt dự án đô thị cảng, logistics và dịch vụ đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đầu tư xây dựng dọc sông Sài Gòn theo tuyến Vành đai 4 TP. HCM.
Đầu tư 3.400 tỷ xây cảng sông
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 TP HCM - khu số 1 thuộc thành phố Bến Cát có tổng diện tích khoảng 2.700 ha, với 10 khu đô thị và 4 cảng.
Theo quyết định này, khu vực phát triển đô thị dọc tuyến Vành đai 4 TP HCM - khu số 1, thành phố Bến Cát gồm 3 nhóm dự án, là phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội khung, và phát triển đô thị. Quần thể phức hợp khu đô thị cảng - logistic - dịch vụ nói trên được xem là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và cửa ngõ kết nối với TP HCM qua tuyến giao thông Vành đai 4 TP HCM; trong đó sẽ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng.
|
Đường Vành đai 4 TP HCM đoạn quan tỉnh Bình Dương thuộc thành phố Bến Cát với quy mô 10 làn xe. |
Khu vực được quy hoạch thuộc các phường An Tây, An Điền và xã Phú An. Khu vực có địa giới gồm: phía Bắc giáp xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng); phía Nam và phía tây giáp sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP HCM); phía đông giáp các tuyến đường ĐH 609, ĐT 744, ĐT 748 và sông Thị Tính (phường Thới Hòa, TP Bến Cát).
Tại phường An Tây sẽ xây dựng 3 cảng gồm cảng An Tây, diện tích 100 ha, vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, khung thời gian từ năm 2025 - 2030; cảng Rạch Bắp diện tích 8,51 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian đầu tư năm 2027 - 2040; cảng An Điền diện tích 7,5 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, đầu tư từ năm 2027 - 2040. Tại xã Phú An đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa Cái Lăng với diện tích 2,6 ha, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ năm 2027 - 2040. Các dự án đều được tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư.
Tỉnh Bình Dương đã lập khái toán tổng mức đầu tư các dự án nói trên. Theo đó, nhóm hạ tầng kỹ thuật khung với 4 dự án cảng khoảng 3.406 tỷ đồng; nhóm phát triển đô thị khu số 1 dự kiến khoảng 130.327 tỷ đồng… Nguồn vốn để đầu tư gồm ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa, phát hành trái phiếu, vốn huy động đầu tư các dự án phát triển đô thị và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án đường Vành đai 4 TP HCM có tổng chiều 207 km, đi qua 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và Long An, trong đó đoạn đi qua Bình Dương dài 47,5 km. Riêng đoạn đi qua khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Mỹ Phước 4 (các phường Chánh Phú Hòa và Thới Hòa, TP Bến Cát), dài 8 km đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tỉnh Bình Dương là địa phương có lợi thế để phát triển logistics với ga đường sắt, hệ thống đường bộ kết nối liên vùng và luôn nằm trong “top” đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với 30 khu công nghiệp, tổng diện tích lên đến 12.670,5 ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,4%. Ngoài ra, Bình Dương còn có 12 cụm công nghiệp với quy mô 790 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 67,4%.
Liên kết với TP HCM để tháo điểm nghẽn
Trước đó, UBND Bình Dương đã làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải, và lãnh đạo TP HCM để tháo gỡ những bất cập, thúc đẩy phát triển giao thông thủy nội địa như nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, hình thành hệ thống cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính gồm cảng An Sơn, An Tây, An Điền. Song song đó là đầu tư nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế, nâng cấp tuyến đường sông Sài Gòn từ cấp III lên cấp II để phát triển mạng lưới đường thủy nội địa. Đồng thời UBND tỉnh cho phép triển khai điểm làm thủ tục hải quan tại Cảng Thạnh Phước (TP Tân Uyên). Sự kiện này đánh dấu và ghi nhận bước đột phá trong kế hoạch phát triển, thúc đẩy hàng hóa xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng đường thủy nội địa.
|
Dự án Cảng sông An Tây đoạn qua sông Sài Gòn, khu vực giáp ranh giữa phường An Tây, TP Bến Cát với huyện Củ Chi, TP HCM. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng, cho rằng đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Công ty CP Cảng Thạnh Phước và Cục Hải quan Bình Dương. Thông quan tại cảng không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn giúp hoạt động kiểm tra hàng hóa nhanh chóng, chính xác và tiện lợi, tiết kiệm, thúc đẩy chuyển đổi vận tải từ đường bộ sang đường thủy, giảm tải hạ tầng đường bộ và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhiều lần đề xuất phương án phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong khai thác lợi thế quan trọng từ sông Sài Gòn. Đến nay, các tiềm năng, lợi thế của sông Sài Gòn đang được đánh thức, nhất là khi cầu đường sắt Bình Lợi lịch sử được nâng lên cho tàu thuyền qua lại thuận lợi, dễ dàng...
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Bình Dương, hiện với 5 cảng thủy nội địa đang khai thác vận chuyển hàng hóa và 11 cảng thủy được quy hoạch đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, hệ thống cảng thủy nội địa của Bình Dương đã và đang dần phát huy vai trò, lợi thế trong việc cắt giảm chi chí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt là góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối vùng.
UBND tỉnh Bình Dương cũng xem xét về đầu tư xây dựng Dự án Cảng cạn An Điền, do Công ty Cổ phần Bến Cát Logistics đề xuất đầu tư tại phường An Tây, TP Bến Cát với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 255 tỷ đồng. Nhà đầu tư đặt mục tiêu xây dựng Cảng cạn An Điền thành một cảng cạn hiện đại, với hệ thống kho bãi và trang thiết bị đồng bộ.
Theo đánh giá của các sở, ngành, Dự án Cảng cạn An Điền phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu và quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn. Dự án cảng An Điền tiếp tục là một phần trong chiến lược phát triển logistics của tỉnh Bình Dương. Khi đi vào hoạt động sẽ là đầu mối tổ chức vận tải, kết nối các phương tiện vận tải hàng hóa, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực.
Hình thành chuỗi ELogistics - Logistics thương mại điện tử
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, xu hướng container hóa và vận tải đa phương thức đã hình thành rất rõ ràng. Theo thống kê, khoảng 70% hàng hóa thông qua các cảng biển lớn tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM là hàng container. Do đó, việc đầu tư phát triển dịch vụ vận tải container đi về, kết hợp giữa đường bộ và đường thủy nội địa từ các cảng biển lan tỏa vào sâu trong các khu công nghiệp, nhà máy trong nội địa đã trở nên rất cần thiết.
|
Tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… nhằm phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics. |
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, Cảng cạn Thạnh Phước nằm trên hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước - TP hCM, có kết nối với đường tỉnh 747A, Quốc lộ 13 và đường thủy nội địa sông Đồng Nai. Năng lực khai thác tới năm 2030 đạt 100.000 - 170.000 TEU/năm và nằm gần vị trí kết nối với 14 khu, cụm công nghiệp lớn ở Tân Uyên, Bắc Tân Uyên như VSIP 2A, VSIP3, Đất Cuốc... kết nối một số cảng quan trọng như Cảng Tổng hợp Bình Dương, Hiệp Phước, Cát Lái (TP HCM), Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Thủ tục xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa đều có thể được thực hiện tại địa điểm Cảng Thạnh Phước một cách thuận tiện và nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Giai đoạn 2022-2025 có 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử), hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM...
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, dịch vụ logistics hiện là một trong những ngành được Bình Dương quan tâm, đầu tư. Tỉnh tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… Tất cả đang được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi.
Xây dựng cảng An Tây thành mô hình vận tải đa phương thức UBND tỉnh Bình Dương vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm đối tác có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng Cảng An Tây đúng theo quy định, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2027. Theo đó, Cảng sông An Tây có công suất theo quy hoạch dự kiến đến 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, có thể đón tàu chở container khoảng 3.000 tấn vận chuyển bằng đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn. Cảng An Tây được xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) với mô hình vận tải đa phương thức. Dự án Cảng sông An Tây nằm giáp sông Sài Gòn có diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm luân chuyển hàng hóa khu vực, giảm tải giao thông cho các tuyến đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |