Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch tổng thể của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Xây chính sách “hút” nhân tài
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương khẳng định, đào tạo nhân lực chất lượng cao là mục tiêu rất quan trọng trong 37 nhiệm vụ trọng tâm theo quy hoạch tổng thể của tỉnh.
Để xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030, tỉnh Bình Dương đang tập trung thu hút nguồn lực chất lượng cao gắn liền với các nỗ lực chỉnh trang đô thị, phát triển khu công nghiệp sinh thái và khu đô thị thông minh. Tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo. Nhiệm vụ trọng tâm là tăng tốc, ưu tiên tối đa cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho Bình Dương thực hiện thành công mô hình tăng trưởng mới. Để giải quyết bài toán này, rất cần nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế số, AI và các dịch vụ số.
|
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương khẳng định đào tạo nhân lực chất lượng cao là mục tiêu rất quan trọng trong 37 nhiệm vụ trọng tâm theo quy hoạch tổng thể của tỉnh. |
Theo Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, từ nay đến hết năm 2024, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sở Nội vụ xem đây là yếu tố cốt lõi để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng nên xây hàng loạt chính sách thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, y tế và giáo dục, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 tại địa phương. Những chính sách này không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng mà còn tạo môi trường sống và làm việc lý tưởng, giúp giữ chân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, Bình Dương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học để tạo điều kiện cho sinh viên học tập và thực tập trong môi trường thực tế; đồng thời, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nhất là các ngành công nghệ cao như kỹ thuật số, công nghệ thông tin và sản xuất thông minh. Qua đó, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động. Mô hình hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền tại Bình Dương đang dần phát huy hiệu quả. Kết nối này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đảm bảo sinh viên có thể đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường lao động, tạo nên một lực lượng lao động sáng tạo, năng động và sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Đào tạo 1000 chuyên gia chuyển đổi số
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị, công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt.
"Do đó, chúng tôi mong muốn xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, nơi khoa học công nghệ làm động lực phát triển, thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng môi trường sống chất lượng cho người dân" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nói.
|
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị, công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt. |
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, để giải bài toán “nhân lực số” chất lượng cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 676/KH-UBND về việc thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo lộ trình, đến năm 2025, lãnh đạo các cấp, các ngành trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đối số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước được tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số. 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
|
Đến năm 2030, 90% số người dân trong độ tuổi lao động của tỉnh biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến. |
100% các sở, ban, ngành thuộc tỉnh xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành. Tuyển chọn, cử cán bộ tham gia Chương trình “Đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương” do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối, để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn. Tham gia thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” và triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh, khi mô hình được hoàn thiện, triển khai theo định hướng của bộ, ngành. Đào tạo được 30 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số. 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục Steam/Steam và kỹ năng số.
Đến năm 2030, 90% số người dân trong độ tuổi lao động của tỉnh biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu. Tỉnh mở rộng triển khai mô hình “Giáo dục đại học số” theo định hướng chung của bộ, ngành. Đào tạo được 90 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số, 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục Steam / Steam và kỹ năng số.
Ba nhóm giải pháp nguồn nhân lực
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương đưa ra 3 nhóm giải pháp thực hiện, bao gồm: Nhóm các nhiệm vụ về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng về chuyển đổi số; Nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
|
Tỉnh Bình Dương đưa ra nhiều giải pháp đào tạo nguồn nhân lực số. |
Cụ thể, đối với nhóm các nhiệm vụ về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cần tập trung xây dựng chiến dịch truyền thông số về chuyển đổi số, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng; các trang mạng xã hội, trên các cổng/trang thông tin điện tử nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, triển lãm về chuyển đổi số, các cuộc triển lãm, trưng bày lưu động về sản phẩm số, giải pháp số, các thành tựu về chuyển đổi số của tỉnh; các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số, báo chí viết về chuyển đổi số và Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Cung cấp thông tin để thực hiện đánh giá, xếp hạng tỉnh Bình Dương trong các chỉ số toàn quốc theo hương dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chia sẻ kinh nghiệm hay trong công tác chuyển đổi số.
Đối với Nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng về chuyển đổi số, tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà; xây dựng và cập nhật phương pháp, tiêu chí đo lường kỹ năng số, khoảng cách số.
Đối với Nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số; tham gia Chương trình đào tạo, bồi dưỡng tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số; đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, sau đại học bổ sung thêm chuyên ngành đào tạo hoặc bổ sung thêm nội dung đào tạo về chuyển đổi số; xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông; triển khai mạng lưới hệ thống thư viện điện tử.
Tại diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số được tổ chức lần thứ 2 tại Bình Dương, với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số (KTS) trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và chúng ta sẽ đạt 20% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng." | Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số được tổ chức lần thứ 2 tại Bình Dương. | Hiện nay, KTS các ngành mới chiếm 40% KTS. 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Nhưng về lâu dài, KTS các ngành phải chiếm tỷ trọng 70-80% trong KTS. Phát triển KTS các ngành là câu chuyện chính của KTS Việt Nam. Năng suất lao động (NSLĐ) luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm, nhiều kỳ Đại hội, chúng ta chưa đạt được. Lời giải cho tăng NSLĐ Việt Nam là ứng dụng công nghệ số (CNS), là CĐS toàn diện và toàn dân, là phát triển KTS. “Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, thì NSLĐ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng. Người Trung Đông nói, của cải là do thời gian nhân với trí tuệ. Nếu trí tuệ con người được tăng thêm sức mạnh bởi sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) thì của cải, cũng có nghĩa là NSLĐ sẽ tăng lên đáng kể”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. |