Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang trở thành nút thắt lớn, cản trở tiến trình chuyển đổi số, cải cách hành chính và vận hành các siêu dự án như sân bay Long Thành tại Đông Nam Bộ.
Chênh lệch nguồn nhân lực giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp gần 30% GDP và hơn 45% thu ngân sách quốc gia hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mới với hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn. Trong số đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xem là biểu tượng cho tầm nhìn vượt khỏi, là trung tâm logistic và giao thương chiến lược. Tuy nhiên, nghịch lý đặt ra là: trong khi đầu tư vào hạ tầng tăng mạnh, thì nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn yếu tố then chốt để vận hành và phát triển bền vững lại đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo số liệu từ UBND TP HCM, hiện thành phố có hơn 13.000 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ cấp huyện trở lên, trong đó 76,5% có trình độ đại học và 17,4% có trình độ sau đại học. Tuy vậy, từ năm 2020 đến đầu 2023, gần 9.500 CBCCVC đã xin nghỉ việc, chủ yếu trong các lĩnh vực trọng yếu như y tế, giáo dục và hành chính. Điều này phản ánh rõ tình trạng “chảy máu chất xám” ngay tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
 |
Hiện Đồng Nai là nơi thu hút hơn 1,2 triệu người lao động, nhiều doanh nghiệp và dự án trọng điểm vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự tay nghề cao |
Không chỉ riêng TP HCM, một số địa phương công nghiệp phát triển như Bình Dương và Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong công tác ổn định và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tại Bình Dương, trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2023, đã có hơn 1.100 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó có 70 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ quản lý cấp phòng.
Theo ghi nhận từ cơ quan chuyên môn, khối lượng công việc ngày càng tăng, môi trường làm việc nhiều áp lực trong khi chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp chưa thực sự hấp dẫn là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định gắn bó lâu dài của một bộ phận cán bộ.
Tại Đồng Nai, theo ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nhân tỉnh Đồng Nai (Hội là nơi tập hợp của hơn 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh ở tất các ngành nghề) hiện Đồng Nai có lực lượng lao động hơn 1,2 triệu người, nhiều doanh nghiệp và dự án trọng điểm vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự tay nghề cao. Đáng chú ý, tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ từng đăng tuyển 31 vị trí quản lý người Việt với mức lương lên đến 400 triệu đồng/tháng nhưng không tìm được ứng viên phù hợp.
Thực trạng nguồn nhân lực yếu và thiếu cũng diễn ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Địa phương này đến nay vẫn chưa ban hành đầy đủ chính sách đãi ngộ nhằm thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực công, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình hiện đại hóa bộ máy hành chính.
Bên cạnh đó, chênh lệch về trình độ dân trí giữa các địa phương trong vùng cũng đang tạo ra áp lực phân hóa ngày càng rõ rệt. Trong khi TP HCM có tới 9,8% dân số đạt trình độ đại học trở lên, thì con số này ở Đồng Nai là 3,5%, Bình Dương 2,7% và các tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước còn thấp hơn đáng kể.
Đáng nói, sự thiếu liên kết giữa các trung tâm đào tạo và nhu cầu thực tiễn tại địa phương đã khiến các tỉnh vùng ven không tận dụng được nguồn lực sẵn có. Hệ quả là một số địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhưng vẫn chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng giáo dục nghề nghiệp phù hợp, gây lãng phí nguồn lực và mất cơ hội bứt phá.
Chuyển đổi số hiện đang là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có khu vực Đông Nam Bộ. Quá trình này đã và đang được khởi động với nhiều bước đi tích cực, tuy nhiên, ở một số nơi vẫn chủ yếu tập trung vào việc số hóa thủ tục hành chính, trong khi chưa hình thành được tư duy chuyển đổi tổng thể, chiến lược dài hạn và giải pháp đồng bộ về nhân lực.
Trong khi đó, khu vực tư nhân đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình (RPA)... để nâng cao hiệu suất hoạt động. Khoảng cách giữa khả năng tiếp cận công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của khu vực công và tư vì thế cũng đang dần lộ rõ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực số trong bộ máy hành chính nhà nước.
 |
Chuyển đổi số hiện đang là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có khu vực Đông Nam Bộ |
Bên cạnh đó, một số cán bộ lãnh đạo tại cơ sở còn thận trọng khi tiếp cận chuyển đổi số do chưa có điều kiện tiếp cận sâu về mặt chuyên môn, dẫn đến tâm lý dè dặt trước những thay đổi lớn trong quy trình vận hành. Đây là thực tế cần được nhìn nhận khách quan để có hướng hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức công nghệ và kỹ năng quản trị số cho cả đội ngũ công chức thực thi và cán bộ ra quyết sách - nhằm bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi.
Sân bay Long Thành và bài toán nhân lực chất lượng cao
Theo dự kiến, khi sân bay Long Thành đi vào khai thác vào năm 2026, sẽ cần hơn 13.000 lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu vận hành, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, an ninh hàng không và logistics. Tuy nhiên, Đồng Nai hiện không có trường đại học nào đào tạo ngành hàng không, logistics hoặc kỹ thuật chuyên sâu phục vụ dự án. Đây là khoảng trống lớn, cần sớm được lấp đầy thông qua hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và xây dựng trung tâm nhân lực chuyên biệt.
Một số chuyên gia đề xuất cần quy hoạch lại hệ thống đào tạo ngành logistics, công nghệ hàng không và quản lý sân bay theo hướng liên kết vùng, từ TP HCM đến Đồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu. Mô hình trung tâm đào tạo vệ tinh nên được khuyến khích đầu tư để cung cấp nhân lực theo chuỗi, không chỉ phục vụ sân bay mà cả hệ sinh thái dịch vụ phụ trợ liên quan.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đông Nam Bộ cần khẩn trương xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn, gắn kết với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chương trình đào tạo cán bộ cần áp dụng mô hình “học đi đôi với hành”, chú trọng thực tiễn, trang bị kỹ năng công nghệ số, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và năng lực lãnh đạo đổi mới.
 |
Cuộc cách mạng công nghệ đang yêu cầu người lao động phải có cả kiến thức chuyên môn, tư duy đổi mới, và phong cách làm việc chuyên nghiệp |
Phát biểu tại buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại TP HCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: “Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của mỗi địa phương cũng như quốc gia. Đồng thời đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, phát triển đào tạo nghề, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn và khuyến khích mô hình “đại học chia sẻ” giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Nội vụ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũ) cũng cảnh báo: từ nay đến năm 2026, khoảng 40% lao động buộc phải chuyển đổi kỹ năng để thích nghi với công nghệ mới. Đây là sức ép lớn với hệ thống đào tạo nghề, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, Đông Nam Bộ hiện có gần 11 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, nhưng tỷ lệ qua đào tạo chỉ đạt 29,5%. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ đang yêu cầu người lao động phải có cả kiến thức chuyên môn, tư duy đổi mới, và phong cách làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Trong 5 đến 10 năm tới, khi các doanh nghiệp tăng tốc tự động hóa và công nghệ số chiếm lĩnh quy trình, nguồn nhân lực có kỹ năng thấp sẽ mất dần lợi thế. Việc tái định hình chiến lược phát triển nhân lực theo hướng chất lượng, sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định vị thế cạnh tranh của vùng.
Phát triển nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để Đông Nam Bộ tiến nhanh, tiến xa và bền vững trong kỷ nguyên số.
(Còn tiếp)