Theo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) câu chuyện chính sách của Hoa Kỳ tăng thuế đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ có những tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng với 180 quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm cân bằng cán cân thương mại và ra đòn với những Quốc gia có tính chất cạnh tranh trực tiếp với kinh tế Mỹ và được cho là gây ảnh hưởng an ninh kinh tế hoặc có dấu hiệu phá giá. Trong đó, Việt Nam chịu mức 46%, mức cao thứ 3, chỉ sau Campuchia 49% và Lào 48%. Thông tin này có “sức công phá” cực mạnh, gây chao đảo cả nền kinh tế thế giới. Bởi kể cả là quốc gia đồng minh hay đối tác tích cực, đối tác chiến lược đều không có ngoại lệ trong lần áp thuế này.
Như vậy, có thể khẳng định “Việt Nam không phải là đối tượng đặc biệt bị Tổng thống Mỹ nhắm đến với mục đích thiếu thiện chí”.
Tuy nhiên, mức thuế đối ứng quá cao so với dự kiến, lại là điều chúng ta cần lưu ý. Rất có thể, việc áp thuế cho Việt Nam, cũng là động thái “tác động xuyên táo tới một số nền kinh tế. Khi mà thực tế có khá nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam “làm tổ” như một cách lách mức thuế bị áp. Như vậy, vô hình chung, Việt Nam đang trong thế “kẹt giữa”.
 |
Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46% |
Thị trường BĐS sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?
Là một phần của nền kinh tế, nếu mức thuế đối ứng như đã công bố được áp dụng, chắc chắn thị trường BĐS cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức. Trong đó:
Bất động sản công nghiệp, vốn được coi là ngôi sao hy vọng, luôn giữ vững đà tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua, là phân khúc nằm ngoài hiện trạng khó khăn chung của thị trường BĐS, sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.
Bởi lẽ nhiều nhà đầu tư vì mục đích “né thuế”, ưu tiên chọn Việt Nam là bến đậu sẽ cân nhắc lại chiến lược phát triển. Thay vì giữ nguyên hoặc mở rộng quy mô, sẽ cân nhắc đến phương án thu hẹp quy mô và tìm kiếm một bến đậu phù hợp hơn trong dài hạn. Một số doanh nghiệp dự kiến đầu tư vào Việt Nam, cũng sẽ cân nhắc, hoặc là tạm ngừng kế hoạch vào Việt Nam, hoặc là cần thêm thời gian để “cân, đo, đong đếm”, so sánh Việt Nam với các quốc gia khác phù hợp hơn.
Điều này sẽ ảnh hưởng thiếu tích cực tới kế hoạch triển khai, phát triển các khu công nghiệp mới, các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Chưa kể đến việc tăng thuế, sẽ khiến giá bán của các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện bị áp thuế tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này cũng có thể khiến cho kết quả xuất khẩu bị ảnh hưởng. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy như các nhà máy, xí nghiệp phải giảm quy mô hoạt động, một lượng lớn người lao động bị mất việc làm. Điều này vô hình chung cũng khiến BĐS đô thị gắn với các khu công nghiệp cũng sẽ hứng chịu các hệ quả tương đương.
Thứ hai, với BĐS thương mại văn phòng; Do các doanh nghiệp FDI hiện đang “hấp thụ” một phần tương đối lớn diện tích văn phòng cho thuê (chủ yếu là hạng A). Nếu quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này bị thu hẹp, chắc chắn cũng sẽ kéo theo nhu cầu về văn phòng giảm xuống, khiến cho tỷ lệ hấp thụ phân khúc này bị giảm.
Thứ ba, với BĐS nhà ở hướng đến đối tượng khách hàng là các chuyên gia nước ngoài, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do nhu cầu có xu hướng giảm nên giá bán/giá cho thuê sẽ được điều chỉnh. Tỷ lệ hấp thụ cũng sẽ có xu hướng giảm.
Với các phân khúc khác, tuy có chịu ảnh hưởng từ thách thức chung của nền kinh tế, xong mức ảnh hưởng không nhiều và trực diện như ba phân khúc trên.
 |
Biến động thuế quan sẽ ảnh hưởng đến bất động sản như thế nào. |
Giải pháp trước mắt
Trước tiên, chúng ta cần “tự trấn an” rằng việc Mỹ áp mức thuế đối ứng là “thách thức chung” của cả thế giới, chứ không chỉ của riêng Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không bị trong thế “đơn thương, độc mã”.
Thứ hai, chúng ta có niềm tin rằng Chính phủ sẽ có những quyết sách và bước đi đúng đắn, cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp cũng như bảo vệ cả nền kinh tế. Niềm tin này hoàn toàn có căn cứ. Bởi lẽ, trong khi nhiều quốc gia khác còn “chưa kịp” định hình vấn đề và xác định phương án đối phó, thì Chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức có phản ứng thông qua việc thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Hai bên khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích chung. Việt Nam bày tỏ thiện chí sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về việc đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về mức 0%, đồng thời đề nghị phía Hoa Kỳ có chính sách tương tự với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là bước đi rất nhanh chóng và kịp thời.
Ngoài ra, trong suốt mấy ngày qua, Chính phủ rất tích cực trong việc bàn bạc đối sách để ứng phó sao cho hiệu quả trước vấn đề này. Các thông tin đều được cập nhật sát sao, trên tinh thần cởi mở tới đông đảo người dân, nhằm đảm bảo mọi đối tượng đều được tiếp cận thông tin một cách chính xác, kịp thời, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ không cần thiết.
Điều này, giúp chúng ta có đủ thông tin, dữ liệu để bình tĩnh lắng nghe, quan sát và chủ động lên sẵn các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong mọi tình huống.
Sản xuất công nghiệp ở VN chủ yếu là lắp ráp, gia công, làm thuê cho nước ngoài. Chất lượng công nghệ sản xuất chủ yếu là lạc hậu. Thậm chí công nghệ hỗ trợ cũng không phát triển vì hầu hết là nhập khẩu. Quản trị kinh tế hưởng thụ qua các KCN thấp, chủ yếu thu được từ tiền lương thấp và thuế. Do ít doanh nghiệp trong nước phát triển được thông qua các KCN. Đây sẽ là cơ hội vàng để Việt Nam:
Thanh lọc hoạt động đầu tư sản xuất với phương thức coi Việt Nam là một nơi chỉ để gia công, lắp ráp thành phẩm;
Tạo động lực khai thác thị trường mới bên cạnh thị trường Mỹ;
Kêu gọi đầu tư chất lượng và giá trị cao, từ ngay chính nước Mỹ. Những mặt hàng mà Mỹ không khuyến khích đầu tư trong nước;
Nắm bắt cơ hội thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa, trên cơ sở lắp ráp vào chỗ trống của các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ rút khỏi Việt Nam. Nhằm nâng cao khả năng sản xuất và hiệu quả cho doanh nghiệp nội.
Tóm lại, chúng ta vẫn đang chờ đợi một kết quả đàm phán hài hòa lợi ích giữa hai bên. Đây sẽ là kịch bản tốt nhất, giúp bình ổn mọi vấn đề. Tránh gây “sốc nhiệt” tạm thời với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, kể cả khi kịch bản đó không xảy ra, chúng ta cũng không nên hoang mang, lo lắng thái quá, bởi từng bước đi của Chính phủ cho thấy sự chủ động ứng biến trong mọi tình huống. Người Việt Nam có câu “cái khó, ló cái khôn”, chúng tôi tin rằng, trong mọi tình huống, Việt Nam đều có thể “biến khó khăn thành động lực”, “biến thách thức thành bước tiến”.