Chiều 14/4, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt kết quả Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời triển khai kế hoạch lấy ý kiến góp ý Đề án sắp xếp tổ chức hành chính cấp huyện, cấp xã theo định hướng mới của Trung ương.
Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi chủ trì. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và hơn 12.000 đại biểu tại 110 điểm cầu.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi quán triệt kết quả Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. |
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 11. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025, sau khi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực.
Trung ương cũng thống nhất phương án giảm mạnh số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm khoảng 60-70% so với hiện nay.
Theo định hướng sắp xếp, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, phương án hợp nhất tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM đang được xem xét, giữ tên gọi là TP.HCM, với trung tâm hành chính đặt tại thành phố.
 |
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Minh Thủy phát biểu tại Hội nghị. |
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Bình Dương đã nhanh chóng triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2024-2030.
Theo bà Nguyễn Minh Thủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tỉnh hiện có 91 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sáp nhập, dự kiến còn 36 đơn vị hành chính (gồm 24 phường và 12 xã), đạt tỷ lệ giảm 60,4%.
 |
Hội nghị được kết nối đến 110 điểm cầu với 12.000 đại biểu tham dự. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất xác định 10 địa bàn trọng điểm cấp xã làm hạt nhân phát triển đô thị, đảm bảo định hướng mở rộng không gian đô thị và hạ tầng trong tương lai.
Bên cạnh việc sắp xếp địa giới hành chính, tỉnh cũng triển khai việc sắp xếp cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo mô hình mới, đồng thời xây dựng hướng dẫn cụ thể về bố trí cán bộ, công chức sau sáp nhập.
Ông Bùi Thanh Nhân - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy thông tin, từ nay đến ngày 23/4, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với phương án sắp xếp bằng nhiều hình thức như hội nghị, phiếu khảo sát… Sau khi hoàn tất, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ họp trước ngày 25/4 để thông qua và trình Trung ương.
 |
Toàn cảnh hội nghị tại Tỉnh ủy Bình Dương. |
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: Việc sắp xếp các xã, phường cần căn cứ trên quy hoạch giao thông, phát triển đô thị và nhu cầu quản lý hành chính hiện đại, đồng thời khẳng định tỉnh sẽ chủ động xây dựng đề án chi tiết, minh bạch, khoa học, đảm bảo sự đồng thuận của người dân.
Tỉnh Bình Dương cũng đã đề xuất chi tiết phương án sáp nhập từng đơn vị hành chính cụ thể, gồm 24 phường và 12 xã, trong đó nhiều phường trọng điểm như: phường Dĩ An, phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An); phường Bình Dương, phường Tân Uyên (TP Tân Uyên); phường Thủ Dầu Một (TP Thủ Dầu Một); phường Bến Cát (TP Bến Cát)… là trung tâm phát triển đô thị trong tương lai.
Các xã trọng điểm như xã Thanh An, xã Bắc Tân Uyên, xã Phú Giáo, xã Dầu Tiếng… cũng được lựa chọn để giữ vai trò trung tâm hành chính và phát triển nông thôn mới nâng cao.