“Chúng tôi có cả tập văn bản gửi BIC, thậm chí gửi cả Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà nhờ can thiệp để doanh nghiệp thực hiện đúng hợp đồng nhưng chẳng thấy hồi âm, trong khi dân tình đang bức xúc” - Giám đốc Ban Quản lý và Điều hành các dự án xây dựng giao thông Hà Tĩnh cho biết.
|
Sự chậm trễ của BIC vừa làm dân khổ, vừa ảnh hưởng đến uy tín của BIDV |
Trước đó, BIC đã ủy quyền cho Công ty Bảo hiểm BIDV Bắc Trung bộ (đơn vị trực thuộc) ký hợp đồng bảo hiểm công trình cho Dự án nâng cấp QL1 đoạn km517+950 - km556+00 với đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý và Điều hành các dự án xây dựng giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh).
Nhà thầu được Bộ gửi gắm
Gói thầu bảo hiểm nói trên trị giá gần 6 tỷ đồng, được ký kết thực hiện từ đầu năm 2014. Đến nay, Dự án nâng cấp QL1 đoạn qua Hà Tĩnh đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng trước đó trong quá trình thi công, xe máy và thiết bị công trình đã tác động gây hư hại nhiều nhà dân ven tuyến.
“Thống kê trong khu vực dự án đi qua (địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) có tới 210 hộ có nhà cửa bị nứt tường, sàn, mái. Sau khi nhận được phản ánh về việc này, Sở và Ban đã thông báo cho BIC để tiến hành kiểm đếm, xác định việc bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng”, ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban Quản lý và Điều hành các dự án xây dựng giao thông Hà Tĩnh nói.
Được biết, đến nay BIC mới đưa ra số liệu sơ bộ với chi phí còn thấp, chưa tính toán cụ thể, chi tiết theo các định mức của Nhà nước và thực tiễn việc khắc phục sửa chữa của các hộ dân; đồng thời chưa phê duyệt chi phí khắc phục tổn thất và không ứng tiền để tổ chức chi trả cho hơn 200 hộ dân tự sửa chữa, khắc phục, mặc dù đại diện chủ đầu tư liên tục đôn đáo để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.
“Tôi nói thật, công tác bảo hiểm nếu chúng tôi làm thì đơn giản. Nhưng đối với dự án này, trước đó Bộ GTVT đã có văn bản chỉ định cho BIC tham gia. Vậy mà đến khi xảy ra sự việc cần bảo hiểm, cần trả tiền thì BIC chậm trễ không phản hồi, dù Sở và Ban đã thông báo rất kịp thời”, ông Tùng bức xúc.
Nhờ Chủ tịch BIDV can thiệp
Biết BIC là “con đẻ” của Ngân hàng BIDV, Ban Quản lý và Điều hành các dự án xây dựng giao thông Hà Tĩnh đã mang công văn đến tận trụ sở BIDV ở Hà Nội để nhờ Chủ tịch ngân hàng này can thiệp, nhưng đến nay công ty bảo hiểm nói trên vẫn không phản hồi, những căn nhà hư hỏng của dân vẫn nứt toác vì chưa có tiền đền bù.
Mới đây, Bộ GTVT đã lên tiếng xác nhận sự chậm trễ của BIC khi thực hiện Gói thầu số 19 khiến người dân trong vùng dự án bức xúc, đồng thời Bộ này yêu cầu nhà thầu bảo hiểm phải nghiêm túc thực hiện những điều khoản đã cam kết trong Hợp đồng số 37B/2014/HĐKT đã ký với đại diện chủ đầu tư Dự án nâng cấp QL1 đoạn qua Hà Tĩnh.
“Chúng tôi quá mệt mỏi vì việc này, thậm chí có ý kiến đề xuất cắt luôn hợp đồng với ông này đi và tái bảo hiểm lại với đơn vị khác. Để dứt điểm, chúng tôi đã chốt đến ngày 10/10 này phải giải quyết xong thủ tục và trả tiền đền bù, nếu không sẽ xin ý kiến Bộ GTVT để có biện pháp cuối cùng. Hiện, đại diện chủ đầu tư mới thanh toán cho BIC 40% giá trị hợp đồng nên dẫu sao chúng tôi cũng đang “nắm đằng cán” khi nói chuyện về trách nhiệm hợp đồng”, Giám đốc Ban Quản lý và Điều hành các dự án xây dựng giao thông Hà Tĩnh khẳng định.
Liên quan đến sự việc này, các hộ dân bị ảnh hưởng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị giải quyết. Đặc biệt, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa mới đây, cử tri hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đã phản ánh, chất vấn Sở GTVT Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan, tạo ra dư luận không tốt.
Thật khó tin khi Dự án nâng cấp QL1 đoạn km517+950 -km556+00 qua Hà Tĩnh dài gần 40 cây số, số tiền đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, tỉnh và Bộ đã chỉ đạo làm được và đã làm xong, trong khi một gói thầu bảo hiểm công trình trị giá chỉ chưa đầy 6 tỷ đồng, lại liên quan đến quyền lợi hợp pháp của hàng trăm hộ dân thì đành bó tay?