Những ngày qua, nhiều người dân chưng hửng khi mang vé tàu Tết đến ga Sài Gòn mới biết mua phải vé giả từ “cò” vé, phe vé.
|
Hàng chục “cò” vé chào mời ngay cổng ga Sài Gòn - Ảnh: Mai Huyên. |
“Cò” vé ngang nhiên chào mời
Chị Trần Thị Kim Oanh (trú tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, ngày 11/12, chị đến đại lý vé máy bay, tàu hỏa tại địa chỉ 212, đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3 (gần ga Sài Gòn) để mua 2 vé tàu Tết từ Sài Gòn về Hà Nội vào ngày 23/1/2017, giá 1,795 triệu đồng, cộng thêm 200 nghìn đồng dịch vụ/mỗi vé. Tuy nhiên, khi chị Oanh lên mạng kiểm tra thì không phải tên tuổi và CMND như đăng ký.
Không riêng chị Oanh, trước đó, trong hai ngày 11 và 12/12, ga Sài Gòn phát hiện 8vé tàu giả mà các “cò” bán cho hành khách trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Những vé này đều được in từ mẫu giấy A4 và nếu nhìn bằng mắt thường, các thông tin trên vé rất giống vé thật in từ hệ thống bán vé điện tử của ngành Đường sắt.
Sáng 13/12, quan sát của PV Báo Giao thông, ở khu vực cổng ga Sài Gòn vẫn có hàng chục “cò” vé ngang nhiên chào mời, vẫy khách. Trong vai một hành khách cần mua vé tàu Tết, PV được một “cò” tên Linh cho biết, vé về Thanh Hóa vào tối 22/1/2017 vẫn còn rất nhiều chỗ (loại ngồi mềm), giá 1,4 triệu đồng/vé, cộng thêm 300 nghìn dịch vụ.
Một “cò” khác tên Lùng còn chào khách đi “hạng” vé nhân viên đường sắt. “Anh muốn đi vé nhân viên thì đến trước thời gian tàu khởi hành một giờ. Chúng tôi sắp xếp chỗ ngồi trên tàu xong mới thu tiền vé”, chị này khẳng định.
|
Chị Trần Thị Kim Oanh trình báo ga Sài Gòn vì mua phải vé giả (chụp sáng 13/12) - Ảnh: Mai Huyên. |
Lập hồ sơ điều tra
Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng úy Nguyễn Chí Cang, Công an phường 9, quận 3 phụ trách trạm ga Sài Gòn cho biết, Công an phường đã ghi nhận thông tin và lập hồ sơ ban đầu về các vụ mua bán vé giả để điều tra, xử lý.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay: “Một số đối tượng cò mồi truy cập, mua vé qua mạng, đặt mua với tên và số CMND giả, sau đó tìm được khách bán lại thì sửa lại tên và CMND. Những trường hợp này xem như là vé giả khi không đúng tên và giấy tờ tùy thân trong hệ thống bán vé”, ông Văn nói.
"Ngành Đường sắt dự kiến lượng phục vụ hành khách đi tàu Tết Đinh Dậu 2017 tương đương hoặc thấp hơn so với số chỗ của năm trước do một số toa xe đang được cải tạo lại. Cho đến thời điểm này, vẫn còn một lượng chỗ của hai chiều Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại. Đồng thời, cũng có một số ít chỗ do hành khách trả vé. Đề nghị khách hàng có nhu cầu có thể kiểm tra thông tin cụ thể trên website của TCT Đường sắt VN”. Ông Đỗ Quang Văn Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn |
Ông Văn cũng cho biết, thời gian cao điểm từ ngày 17-25/1/2017 (tức là từ ngày 20-28 tháng Chạp Âm lịch), dự kiến có khoảng gần 20 nghìn lượt khách lên tàu. Các đơn vị của ngành Đường sắt sẽ phối hợp với Công an quận 3 bảo đảm ANTT. Ga Sài Gòn cũng có kế hoạch tổ chức chạy hàng ngày 18 – 20 đôi tàu trong dịp cao điểm này.
“Người dân không mua vé thông qua cò mồi, các trang website không phải của ngành Đường sắt, các đại lý trá hình. Hiện, có tình trạng một số website sử dụng tên miền giống website bán vé chính thức của ngành Đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp 2-3 lần vé thật như trường hợp đại lý vé máy bay, tàu hỏa tại địa chỉ 212 đường Nguyễn Phúc Nguyên mà hành khách tên Oanh phản ánh ở trên.
Hành khách nên truy cập vào website chính thức của TCT Đường sắt VN là http://dsvn.vn để mua vé và tìm hiểu thông tin. Riêng đối với các vé tàu không hợp lệ, hành khách nên đến ga Sài Gòn thông báo cho Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn để xử lý”, ông Văn nói.