Cục An toàn thực phẩm đã cấp phép lưu hành loại máy xét nghiệm nhanh thực phẩm. Cụ thể là máy xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong thực phẩm. Tuy nhiên, khi quảng cáo, những chiếc máy này lại “biến thành máy đo an toàn thực phẩm”.
Cục An toàn thực phẩm đã cấp giấy chứng nhận lưu hành loại máy đo dư lượng nitrat trong rau củ và thịt. Tuy nhiên, khi loại máy này xuất hiện trên thị trường, chúng lại được quảng cáo là “máy đo an toàn thực phẩm”.
Tìm kiếm loại máy này trên các trang mạng, khi gõ cụm từ “máy đo an toàn thực phẩm” ngay lập tức cho ra 628.000 kết quả trong 0,44 giây. Các kết quả tìm ra đầu tiên đều là “máy đo an toàn thực phẩm”.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết: Đây là bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi do Liên bang Nga sản xuất, được nhập khẩu bởi một công ty tại Việt Nam và đã được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.
Tuy nhiên, Cục khẳng định thêm: “Kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm”.
|
Thực chất đây là máy kiểm tra nhanh dư lượng nitrat trong thực phẩm. |
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, trên thị trường hiện nay không có loại “máy đo an toàn thực phẩm. Thực chất đó chỉ là máy đo một số chất có trong thực phẩm mà thôi.
Đây là loại máy sử dụng phương pháp phân tích hóa học điện tử để xác định dư lượng chất không an toàn trong thực phẩm. Cụ thể ở đây là dư lượng nitrat trong có thực phẩm.
“Chiếc máy này chỉ sử dụng trong công tác kiểm tra nhanh ngoài thị trường, hoặc trong các phòng thí nghiệm, còn tại các gia đình tôi thấy không cần thiết phải dùng đến nó”, PGS Thịnh cho hay.
Chiếc máy “thần” thực chất chỉ là máy đo dư lượng nitrat trong rau quả và thịt. Chúng không phải là những chiếc máy có thể phân biệt được thực phẩm sạch hay không sạch.
Bởi trên thực tế để khẳng định một thực phẩm sạch cần rất nhiều yếu tố quyết định, và nồng độ nitrat chỉ là một trong rất nhiều chỉ tiêu kiểm tra thực phẩm.
Do vậy, việc các công ty quảng cáo “đánh tráo khái niệm tên gọi” của sản phẩm như vậy rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, kết quả thu được từ chiếc máy này chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc hoàn toàn không thể khẳng định thực phẩm sạch và bẩn.