Buổi Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp vùng ĐBSCL và tỉnh vùng bán đảo Cà Mau gồm: Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp vùng ĐBSCL và tỉnh vùng bán đảo Cà Mau gồm: Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng. |
Cải tiến kỹ thuật mô hình tôm – lúa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, năm 2023 và đầu năm 2024, tỉnh đối diện với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp tăng làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Địa phương và người dân cùng các tổ chức đã có nhiều phương pháp sản xuất mới, tiến bộ trong canh tác như lựa chọn con giống chất lượng cao, nuôi tôm 2 giai đoạn, kết hợp hài hòa giữa phân vô cơ và hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ thực trạng thuận lợi, khó khăn khi sản xuất tôm - lúa. Kết quả thực hiện cải tiến kỹ thuật mô hình tôm - lúa, định hướng phát triển đến năm 2030. Tổ chức WWF Việt Nam cũng chia sẻ về kết quả, đánh giá hiệu quả về môi trường, giảm phát thải đối với giải pháp cải tiến mô hình luân canh tôm - lúa, tôm - rừng.
Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường thúc đẩy đầu tư và liên kết chuỗi trong sản xuất, chính sách thúc đẩy các mô hình trọng điểm của vùng ĐBSCL. Đánh về hiệu quả về kinh tế, môi trường, chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn khi triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao”.
Qua Hội thảo, nhiều kinh nghiệm hay về sản xuất tôm - lúa, tôm rừng và những mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay được chia sẻ cho tỉnh Bạc Liêu nói riêng, ĐBSCL nói chung.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội thảo. |
Nhân rộng mô hình luân canh tôm - lúa thích ứng với BĐKH
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Dự án của Tổ chức WWF đã bám sát nhóm mục tiêu, nhu cầu của người dân. Từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên các HTX và người lao động tại địa phương"
Từ đầu năm 2023 đến nay, dự án đã triển khai hỗ trợ một số Hợp tác xã của huyện Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai... về ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất mô hình luân canh tôm - lúa. Khẳng định được tính phù hợp, đúng hướng, hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, tạo thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Đây là tiền đề, là bước đệm quan trọng để địa phương tiếp tục chỉ đạo duy trì nhân rộng mô hình trong các năm tiếp theo.
“Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch. Củng cố, phát triển mô hình tôm - rừng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, tăng thu nhập cho người dân sống trong rừng, hạn chế tình trạng phá rừng.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các cánh đồng lúa lớn, nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu. Phát triển sản xuất “lúa thơm, tôm sạch".
Bạc Liêu là tỉnh phát triển mạnh mô hình sản xuất “lúa thơm, tôm sạch" cho hiệu quả cao. |
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ tổ chức WWF, các Viện, trường nghiên cứu để nâng cao hiệu quả sản xuất mô hình tôm - lúa, tôm rừng và kinh nghiệm triển khai đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao”, nhằm tìm ra các phương thức sản xuất, tái tạo, phục hồi thiên nhiên, giúp nâng cao hệ thống lương thực của tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2001, Bạc Liêu bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình tôm - lúa, do hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất Tôm - lúa trong giai đoạn này khá nhanh, từ hơn 5 nghìn ha sản xuất ban đầu đã tăng lên hơn 39 nghìn ha vào năm 2020, tăng gấp gần 6,8 lần so với năm 2001. Đến năm 2024, diện tích mô hình này tiếp phát triển và mở rộng đạt 46.489 ha và định hướng đến năm 2030 là 60 nghìn ha. |