Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường nguyên liệu công nghiệp và nông sản đã gây thu hút các nhà đầu tư trong tuần giao dịch vừa qua.
Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,9% lên mức 2.168 điểm.
Tuần qua, thị trường cà phê thế giới chứng kiến các phiên giao dịch tăng giảm đan xen. Kết phiên cuối tuần, giá cà phê Arabica tăng 3,51%, lên mức 7.885 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn giảm 2,19% so với tuần trước.
Giá cà phê Robusta cũng tăng lên mức 5.099 USD/tấn, thoát khỏi vùng thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, căng thẳng thuế quan vẫn khiến một số nhà nhập khẩu cà phê tại Mỹ trì hoãn nhận hàng và hạn chế ký kết hợp đồng mới.
Mỹ hiện là thị trường lớn thứ ba của cà phê nhân Việt Nam, chiếm khoảng 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, sau Liên minh châu Âu (41%) và Nhật Bản (8,2%).
 |
Ảnh minh hoạ. |
Hai mặt hàng cao su gây chú ý khi lao dốc rất mạnh, kéo chỉ số giá toàn nhóm suy yếu. Trong đó, cao su RSS3 Osaka giảm sâu 7,63%, xuống còn 2.066 USD/tấn. Cao su TSR20 cũng giảm mạnh 6,56%, chốt ở mức giá 1.695 USD/tấn.
Theo Hiệp hội ngành ô tô Trung Quốc, xuất khẩu ô tô của nước này có thể đối mặt với áp lực lớn hơn dự báo trong năm nay do tác động từ chính sách thuế của Mỹ. Điều này có thể khiến nhu cầu tiêu thụ cao su cho sản xuất ô tô suy giảm đáng kể thời gian tới.
Đi ngược với xu hướng giằng co của toàn thị trường hàng hóa, thị trường nông sản giữ đà tăng giá trong suốt tuần giao dịch vừa qua.
Đóng cửa, toàn bộ 7 mặt hàng chìm trong sắc xanh. Trong đó, giá một số mặt hàng tăng đáng chú ý: Ngô tăng 6,5%; khô đậu tương tăng gần 6%, lúa mì CBOT tăng 5%. Giá đậu tương tăng mạnh nhất - 6,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022.
Theo MXV, sự kết hợp của nhiều yếu tố hỗ trợ như xuất khẩu ổn định, các điều chỉnh chính sách thương mại từ phía Mỹ và rủi ro gián đoạn nguồn cung tại Nam Mỹ đã hỗ trợ đáng kể cho giá đậu tương trong tuần.