Chỉ một tuần trước thời điểm năm mới 2016, Pháp đã bị đe dọa bởi âm mưu tấn công vào một sở cảnh sát. Tuy vậy, các quan chức phụ trách chống khủng bố còn có nỗi lo sợ lớn hơn về tình hình an ninh châu Âu năm 2016.
|
Cảnh sát kiểm tra hộ chiếu của hành khách trên xe buýt tại Lernacken, phía cầu liên hầm Oresund ở Thụy Điển. (Ảnh: Reuters) |
Các vụ tấn công hồi tháng 11/2015 ở Paris, mà ở đó 130 người đã bị các phần tử thánh chiến của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) giết hại, cho thấy chỉ một nhóm thủ phạm sử dụng súng Kalashnikov cũng có thể là nguyên nhân gây ra thảm kịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng đó có thể chỉ là sự khởi đầu.
Nỗi ám ảnh
Phát biểu với hãng tin AFP, một quan chức phụ trách chống khủng bố, yêu cầu giấu tên, nói: “Đáng tiếc là đối với tôi, năm 2015 vẫn “chưa là gì cả”.
Chúng ta đang tiến tới đối mặt với một sự kiện kiểu 11/9/2001 ở châu Âu: Đó là các cuộc tấn công đồng thời xảy ra vào cùng một ngày ở nhiều nước và nhiều nơi khác nhau. Đó sẽ là một hành động phối hợp. Chúng tôi biết rằng các kẻ khủng bố đang xem xét tiến hành việc đó”.
Ông cho biết IS đang tuyển mộ và huấn luyện các công dân châu Âu “với mục tiêu điều động các phần tử này trở về quê hương và tiến hành tấn công”.
Quan chức này nói: “Chúng có đủ các giấy tờ tùy thân giả mạo cần thiết, thành thạo ngôn ngữ, vũ khí và biết rõ về các địa điểm. Chúng tôi đã ngăn chặn được nhiều trong số đó, song phải công nhận rằng chúng tôi đang bị quá sức. Một vài phần tử sẽ lẩn trốn trót lọt - thậm chí đã có vài trường hợp như vậy”.
Ông cho biết các cuộc bắt giữ các phần tử thánh chiến trở về từ Syria và Iraq đã làm gia tăng quan ngại này. Ông nói: “Tình hình đang thay đổi. Chúng ta đang chứng kiến các phần tử cực kỳ cực đoan đang trở lại, những kẻ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và lẽ ra chúng nên ở bên ngoài châu Âu. Chúng là những phần tử trung thành tuyệt đối với con đường đã chọn”.
Đứng trước một kẻ thù vốn cảm thấy “hạnh phúc” khi được chết và cố tình gây ra các vụ thảm sát lớn nhằm vào dân thường, thách thức đối với lực lượng an ninh Pháp đó là phải rút ngắn thời gian phản ứng.
Đại tá Hubert Bonneau - người đứng đầu lực lượng cảnh sát đặc nhiệm GIGN (Pháp) - nói: “Các lực lượng can thiệp vẫn thường khá chậm trễ, bởi vậy chúng ta phải giảm thiểu thời gian đó càng sớm càng tốt”.
Ám chỉ vụ tấn công vào nhà hát ở Paris hôm 13/11/2015, ông nói: “Tại Bataclan, vụ thảm sát 90 người diễn ra trong 20 phút. Chúng chỉ ngừng lại khi có sự phản ứng của lực lượng an ninh”.
Cảnh sát đã mất đến 2,5 giờ đồng hồ để bao vây nhà hát bởi họ phải cố gắng thu thập thông tin về cấu trúc tòa nhà và vị trí của các phần tử thánh chiến. Ông Bonneau cho rằng loại hình đe dọa mới này đồng nghĩa rằng hiện không còn những tình huống bắt giam con tin kiểu truyền thống như trước đây.
Ông nhấn mạnh: “Bắt giữ con tin chỉ là bước đệm để làm chậm quá trình phản ứng của lực lượng an ninh. Nếu chúng ta không can thiệp càng nhanh càng tốt, thì sẽ có thêm nhiều nạn nhân nữa. Đó là bài học rút ra từ các cuộc tấn công hôm 13/11/2015 mà sẽ làm thay đổi cách thức can thiệp của chúng ta. Chúng ta phải có hành động “mổ xẻ kỹ càng”, mạnh mẽ và càng nhanh càng tốt”.
Bị động với “kịch bản cũ”
Yves Trotignon từng là chuyên gia phân tích của cơ quan tình báo Pháp DGSE cho rằng một loạt kịch bản khủng bố khắp châu Âu là không hề mới chút nào và các âm mưu này đã bị phá vỡ trong một vài trường hợp, như vụ việc hồi cuối tháng 8/2010.
Ông nói: “Ở thời điểm đó (kẻ chủ mưu) vẫn là AlQaeda. Các kẻ khủng bố dự định sẽ tới Tây Âu, khôi phục các vũ khí như súng ngắn và súng trường. Âm mưu này đã bị Mỹ phá vỡ bởi nước này đã tiến hành một loạt cuộc tấn công phòng ngừa bằng máy bay không người lái ở Afghanistan và Pakistan để chống lại các phần tử được cho là sẽ thực hiện chiến dịch này.
Loại hình tấn công vào nhiều địa điểm này là một phần trong các kịch bản tồi tệ nhất của năm 2016. Tôi biết rằng tại thủ đô các nước châu Âu, đặc biệt là London, các lực lượng đặc nhiệm đang nghiên cứu về giả thuyết này”.
Các chuyên gia cho biết lực lượng cảnh sát, quân đội và tình báo đang liên tục thích ứng với mối đe dọa đang biến đổi này, song kẻ thù cũng như vậy và chúng thường hành động nhanh và hiệu quả hơn.
Ông Trotignon nói: “Không chỉ chúng ta rút ra được bài học mà IS cũng vậy”. Theo ông Trotignon, bài học chính là phải tránh xa khỏi điện thoại - vốn thường là thiết bị quan trọng để giám sát các kẻ tình nghi tiến hành tấn công.
Ông Trotignon nói thêm: “Chúng rút ra các bài học từ các cuộc điều tra viết trên báo, chúng đã đọc mọi bài báo. Chúng biết được rằng cảnh sát đã mất 2,5 giờ đồng hồ để tiến hành bao vây ở Bataclan. Chúng cũng nhận ra rằng việc sử dụng chất nổ là không hiệu quả và phải được thay đổi bởi các kẻ tấn công đã để lại quá nhiều dấu vết. Nếu khả năng của các kẻ tấn công được nâng cao, chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn. Các chuyên gia an ninh hiện tỏ ra “vô cùng bi quan” về năm 2016. Có thể nói rằng, năm 2015 mới chỉ là “cuộc diễn tập”.
Chính Tổng thống Pháp F.Hollande khi thừa nhận sự thất bại của tình báo Pháp trong ngăn chặn các vụ khủng bố cũng có nghĩa là gián tiếp thừa nhận những kẻ khủng bố đã chủ động, nhanh chóng hơn nhiều các lực lượng an ninh.
Ngày 7/1, tròn một năm kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát đẫm máu tại tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng, Tổng thống Hollande đã ám chỉ về sự thất bại của cơ quan tình báo Pháp khi để các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng xảy ra trong thời gian qua, trong đó có loạt vụ tấn công xảy ra tại thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng 11/2015 làm 130 người chết.
Ông đề cập một thực tế đáng buồn, khi một số thủ phạm gây ra các vụ tấn công khủng bố nói trên từng nằm trong danh sách theo dõi của các cơ quan tình báo Pháp, chúng từng ra nước ngoài tham chiến trong hàng ngũ khủng bố hoặc từng bị bắt khi có ý định này.
Ông Hollande nhấn mạnh, để đối phó hiệu quả với những kẻ khủng bố nguy hiểm này, mỗi cơ quan bao gồm cảnh sát, lực lượng hiến binh, tình báo và quân đội Pháp phải phối hợp trong sự hài hòa tuyệt đối, sự minh bạch lớn nhất và cùng sẵn sàng chia sẻ tất cả thông tin thu thập được.