Tin nên đọc
Giáo viên trường Lương Thế Vinh nói gì khi bị tố “giáo dục không có tình người"?
9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học mới 2017 - 2018
Sắp giáo dục về quyền con người từ bậc mầm non
Năng lượng từ chương trình giáo dục dinh dưỡng và phát triển thể lực trẻ em Việt Nam
Được biết một trong số lí do mà nữ sinh này chưa xuống Hà Nội để tìm cơ hội là vì muốn cống hiến cho nền giáo dục tỉnh nhà.
“Làm giáo viên tại quê nhà mới thực sự là ước mơ của em. Em đã chờ đợi gần 2 năm rồi”, em Bùi Thị Hà chia sẻ.
Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại Lễ tôn vinh thủ khoa năm 2016 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC. |
Được biết, mới đây nữ thủ khoa này đã viết tâm thư gửi Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Infonet xin trích lại nguyên văn bức tâm thư nói trên:
"Kính gửi: Chú Triệu Tài Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang.
Cháu tên là Bùi Thị Hà, sinh ngày 10/10/1994, thường trú tại thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang. Cháu được biết chú là người lãnh đạo có tâm và đã cống hiến rất nhiều cho tỉnh Hà Giang.
Hôm nay cháu mạnh dạn viết tâm thư này gửi đến chú, mong chú bớt chút thời gian quý báu của mình để lắng nghe vài lời tâm sự của cháu - một người dân trong tỉnh, một thế hệ trẻ khao khát cống hiến cho tỉnh nhà.
Thưa chú, cháu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo của xã Ngọc Đường. Bà nội cháu đã ngoài 80 tuổi. Bố cháu làm phụ xây mỗi ngày được 100 ngàn đồng nhưng đó lại là trụ cột của gia đình cháu, ngày nắng thì không sao nhưng ngày mưa không có việc người ta không thuê bố cháu thì cả nhà lại không có tiền để trang trải.
Mẹ cháu làm nông quanh năm với mảnh vườn nhỏ, chắt chiu từng mớ rau đạp xe đạp chở ra chợ bán. Bố mẹ cháu lại phải nuôi ba đứa con ăn học nên cuộc sống khá chật vật.
Năm 2010, bố cháu qua đời trong một tai nạn giao thông khi đi chở nước rác người ta cho về để mẹ cháu nuôi lợn. Tai họa ấy là cú sốc lớn đối với gia đình cháu. Biết rằng, ở đời ai mà chẳng phải trải qua sinh ly tử biệt nhưng tai họa này lại đến với gia đình cháu quá sớm.
Bố cháu mất, khó khăn chồng chất khó khăn, một mình mẹ cháu, người mẹ chỉ có 38kg và già hơn rất nhiều so với tuổi của mình phải đương đầu với sóng gió của cuộc đời để lo cho 3 chị em cháu được ăn học. Thương mẹ, cháu và chị gái nhiều lần có ý định nghỉ học để đi làm thuê giúp mẹ, may mắn thay là mẹ cháu gạt đi suy nghĩ đó của chúng cháu.
Mẹ nói: Nếu thương mẹ thì phải học thật giỏi, không có con đường nào giúp nhà mình thoát nghèo bằng con đường học. Dù mẹ có phải vay mượn, vất vả thế nào mẹ cũng chịu để nuôi các con nên người. Từ đó ba chị em cháu lao đầu vào học để hi vọng tương lai có cuộc sống tốt hơn để báo đáp ơn mẹ.
Từ năm 2012 đến năm 2014, gia đình cháu thuộc diện hộ nghèo vì một mình mẹ cháu phải nuôi 2 con học đại học ở Hà Nội và một em trai học trường THPT Chuyên tỉnh.
Bà nội vì tuổi già, bệnh tim, gia đình không có tiền chạy chữa kịp thời nên bà đã ra đi theo bố cháu. Năm 2014 - 2015 xã “xóa nghèo” nên gia đình cháu trở thành “hộ cận nghèo”.
Đến năm 2016, do chính sách xây dựng nông thôn mới của tỉnh nên gia đình được xóa nghèo, nhưng thực tế kinh tế gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì lao động chính của nhà vẫn là mẹ cháu.
Chị gái của cháu đã tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia và hiện tại vẫn chưa xin được việc. Cháu tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và là Thủ khoa xuất sắc; Em trai cháu hiện đang là học viên Trường Sỹ quan Chính trị.
Thưa chú, ngay từ nhỏ cháu đã ước mơ mình sẽ trở thành một cô giáo, gắn cuộc đời mình với biết bao đứa trẻ thơ ngây. Ước mơ đó luôn theo cháu trong từng hơi thở, thôi thúc cháu nỗ lực từng ngày.
Năm 2012, cháu thi đỗ Khoa Ngữ văn của trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Cháu nhận được học bổng tiếp sức đến trường do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với báo Tuổi trẻ trao tặng cho tân sinh viên nghèo đậu các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Năm 2015, cháu nhận được học bổng của quỹ hỗ trợ đào tạo Nhật Bản dành cho sinh viên nghèo có thành tích học tập xuất sắc.
Tháng 3/2015, cháu dành được giải nhì cuộc thi “tài năng khoa học trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2”.
Tháng 6/2016, cháu tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội 2 với tấm bằng xuất sắc và nhận được giấy khen của hiệu trưởng tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và các hoạt động phong trào cấp khoa khóa học 2012 - 2016.
Ngày 28/8/2016, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), cháu vinh dự được thành phố Hà Nội vinh danh là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Khi mới ra trường, cầm tấm bằng đại học trên tay, cháu muốn được đi làm, được tận hiến cho quê hương Hà Giang.
Thế nhưng, cháu rất buồn chú ạ! Cháu ra trường được 3 tháng rồi mà vẫn chưa thể làm được gì. Hồ sơ của cháu đến nay vẫn ở nhà bởi không một cơ quan nào nhận.
Cháu đã từng mang hồ sơ ra Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT để nộp nhưng họ đều không nhận với lý do không có chỉ tiêu. Cháu tìm hiểu và được biết có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại tỉnh. Cháu vội vàng mang hồ sơ ra nộp nhưng Sở Nội vụ trả lời chính sách đó đã tạm dừng.
Thưa chú, các cụ ta dạy “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Cháu có đôi bàn tay bởi vậy nếu không được làm giáo viên cháu vẫn có thể làm các nghề khác để kiếm sống, để tồn tại. Cháu đã từng làm chạy bàn cho quán bia nhà chị họ ở Mậu Duệ - Yên Minh; từng làm phục vụ ở quán cơm Cây Bàng ở gần Sở Giáo dục.
Nhưng chú ơi! Bỗng dưng cháu lại cảm thấy tiếc. Cháu tiếc cho sự nỗ lực, cố gắng của bản thân suốt 16 năm học vừa qua; cháu tiếc công mẹ cháu, người mẹ đã phải nhặt từng mớ rau, bán từng vác mía, nuôi từng con lợn, chắt chiu, dành dụm từng đồng, từng hào để cho con cái được bước vào đại học;
Cháu tiếc số tiền học phí, học bổng mà Nhà nước và một số đơn vị, tổ chức đã bỏ ra, ủng hộ, giúp đỡ cháu.
Thưa chú, tỉnh ta luôn luôn động viên con em đi học, nâng cao trình độ, tỉnh nói rằng sẽ cố gắng giải quyết việc làm cho con em địa phương, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh.
Chính sách đó là có thật không chú!? Hay chính sách vẫn mãi chỉ là chính sách.
Chú ạ, thời gian qua cháu đã cố gắng hết mình bởi mong muốn được đi làm, được giúp đỡ mẹ, được cống hiến cho quê hương.
Phải chăng ước mơ đó là quá xa xỉ?
Một mơ ước được làm việc, được cống hiến cho quê hương thôi, sao mà lại trở nên khó khăn đến vậy.
Thưa chú, liệu rằng có còn một câu chuyện cổ tích nào đó dành cho một nàng lọ lem như cháu không, hay là cuộc đời sẽ mãi chỉ là thực tế của một vòng tròn quẩn quanh, cao thấp!?
Nhưng dù sao, cháu vẫn rất tin tưởng, kỳ vọng vẫn sẽ còn có những cái tâm, cái tầm và cái đức trong cuộc đời này, để cháu có thể thực hiện ước mơ, thắp lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng.
Mong chú sẽ cho cháu một con đường, một cơ hội để trở về, để được làm việc và để sống hết mình cho quê hương Hà Giang.
Cháu xin hứa nếu được làm việc tại tỉnh Hà Giang, cháu sẽ cố gắng nỗ lực học tập và rèn luyện đức và tài để có thể trở thành một giáo viên giỏi đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Lời cuối, cháu xin chúc chú Bí thư sức khoẻ và cảm ơn chú đã bớt chút thời gian quý báu của mình để lắng nghe những lời tâm sự từ tận sâu thẳm đáy lòng cháu!
Kính thư!".
Tags: