Theo Bộ Xây dựng, trong vòng 10 năm qua, sản lượng xuất khẩu xi măng, clinker có tăng lên, tuy nhiên từ 2022 đến nay, xuất khẩu giảm mạnh.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong 10 năm qua, sản lượng sản xuất clinker và xi măng đều tăng, trong đó năm 2021 sản xuất clinker và xi măng đạt đỉnh 110,4 triệu tấn.
Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng, tổng sản lượng sản xuất năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động toàn ngành chỉ đạt 75% công suất thiết kế; trong năm 2023 có 42 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1-6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm.
Trong khi đó, giá FOB xuất khẩu trung bình với clinker và xi măng năm 2022 lần lượt là 46-48 USD/tấn và 51-53USD/tấn thì ở thời điểm tháng 5/2024 đã tụt xuống chỉ còn 31-32 USD/tấn đối với clinker và 38-48 USD/tấn đối với xi măng.
|
Xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay tiếp tục gặp khó. Ảnh Xi măng Hoàng Mai. |
Phân tích nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu giảm là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc, chưa kể, giá xuất khẩu cũng theo chiều giảm nhẹ, tiếp đà giảm của năm trước.
Không chỉ vậy, thị trường Phillipiness vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá) với xi măng nhập từ Việt Nam.
Hiện ngành Xi măng có 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm, (trong đó có 4 dây chuyền tổng công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm đã đầu tư xong nhưng vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm).
Tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn Nhà nước chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư này.
Trước tình cảnh khó khăn kể trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, cụ thể điều chỉnh thuế suấ khẩu mặt hàng clinker xi măng hiện đang ở mức 10% về 0% vì đây là sản phẩm chế biến sâu; sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker không thuộc đối tượng khoản 2 Điều 5; để clinker được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% khi xuất khẩu như tiêu thụ trong nước và được khấu trừu thuế giá trị gia tăng đầu vào tương tự như sản phẩm xi măng.
Bộ đồng kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt ở vùng yêu cầu thoát lũ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để giảm thiểu lượng cát đắp nền, đảm bảo chất lượng xây dựng với chất lượng tốt, tuổi thọ cao, giảm chi phí bảo trì giảm tác động môi trường.
Có giải pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng nhập khẩu.