Sau 5 năm nhìn lại quá trình tái cơ cấu (TCC), ngành nông nghiệp (NN) đã chuyển mình mạnh mẽ, lần đầu tiên sau nhiều năm, xuất khẩu nông sản đã vượt dầu thô, hoàn toàn cán đích năm 2018 ở con số 40 tỷ USD.
Nhiều thành tựu khả quan
Tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, NN đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong đề án.
Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại NN đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành NN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của bà con nông dân và cộng đồng các DN NN…
Trong 5 năm thực hiện TCC ngành NN, sản xuất đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất NN sạch, NN ứng dụng công nghệ cao, NN hữu cơ được các cấp, ngành, DN và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, TCC ngành NN thể hiện rõ ràng nhất, đó là biến những bất lợi trước đây thành lợi thế lớn.
Sơn La là một ví dụ. Địa phương này biết tận dụng đất dốc để chuyển từ trồng ngô sang các loại cây ăn quả đặc sản (nhãn, cây có múi, chanh leo, xoài). Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt chính sách, tháo gỡ vướng mắc, định hướng phát triển theo hướng mới, tạo ra hiệu quả.
Cùng với Sơn La, các địa phương như Tây Ninh, Đồng Tháp, Bắc Giang... đều là những địa phương có quá trình TCC ngành NN theo hướng mới, đem lại nhiều thành tựu.
Một chuyển động rõ nét nhất trong quá trình TCC NN cũng được Bộ trưởng nhắc đến là vấn đề chế biến sau thu hoạch. Chỉ trong năm 2018 đã có 10 nhà máy chế biến nông sản đã và sẽ được xây dựng ở nhiều vùng sinh thái. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tháng 12 tới sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với quy mô 1,4 triệu con heo của Masan. Rồi đây thịt lợn của Việt Nam không chỉ xuất đi Myanmar mà còn nhiều thị trường khác, riêng thịt gà, từ quý III/2018, sản lượng thịt gà xuất sang Nhật Bản tăng lên 600 tấn/tháng.
Phía trước còn nhiều gian nan
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo nhiều chuyên gia, quá trình TCC ban đầu diễn ra chậm, chưa thích ứng kịp sự biến đổi về khí hậu và thị trường. Nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp; có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào.
Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy, phía trước ngành NN phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua. Trước hết, năng lực sản xuất NN nước ta đã rất lớn mạnh trong khi thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường; công tác dự báo cung- cầu yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ chưa phát huy hết vai trò; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Trước những thách thức này, theo lộ trình đến năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch XK từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược và xây dựng vùng sản xuất tập trung; Với các sản phẩm chủ lực tại các địa phương cần quy hoạch và đầu tư theo hướng sản phẩm quốc gia nhưng cấp quy mô địa phương. Các sản phẩm đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ cần gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, bài học lớn rút ra trong thực hiện TCC NN và xây dựng nông thôn mới là sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các thành tố trong xã hội, từ Trung ương đến địa phương; từ người dân đến DN, tổ hợp tác và từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo… Chỉ khi cả xã hội chủ động, tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả.