Cần xử lí triệt để biến tướng của học thêm, dạy thêm trên toàn quốc
Trao đổi tại tọa đàm, bà Từ Thuý Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết, Ban Tuyên giáo và Dân vận đã tổ chức điều tra dư luận xã hội về vấn đề dạy thêm, học thêm trên quy mô toàn quốc.
Phần lớn các ý kiến dư luận thống nhất, đồng tình cao với việc ban hành Thông tư 29, bởi đây là chủ trương đúng đắn, giảm tải học tập cho học sinh, phát huy tính tự học, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, dư luận vẫn còn có những băn khoăn khi nhu cầu học thêm là nhu cầu có thật, cần quản lý chặt chẽ nhưng phù hợp với thực tế và khi đưa vào quản lý cần xử lý triệt để các vấn đề biến tướng của học thêm, dạy thêm.
![]() |
Bà Từ Thuý Quỳnh chia sẻ tại Tọa đàm. |
Phó trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thị Hồng nhận định, Thông tư 29 là quy định ban hành có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn.
Theo bà Hồng, một chính sách mới ban hành, đặc biệt là chính sách liên quan đến giáo dục, có tác động lớn đến xã hội nên khi ban hành sẽ có những luồng tư tưởng và ý kiến khác nhau. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị khi thực hiện, triển khai Thông tư hướng đến mục tiêu hiệu quả, khả thi nhất.
Đánh giá Thông tư 29 phát huy tốt hơn các phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá của giáo viên và tăng phương pháp tự học, tự bồi dưỡng của học sinh, ông Trần Đăng Nghĩa - Phó Trưởng phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng cần lưu ý hơn về công tác quản lý học thêm, dạy thêm trong bối cảnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Hướng đến quản lý minh bạch, rõ ràng
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, quản lý dạy thêm, học thêm là câu chuyện “nóng”, là vấn đề luôn được toàn xã hội quan tâm. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo nhằm đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện, giữ gìn hình ảnh, vị trí của nhà giáo.
Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa, qua theo dõi quá trình ban hành, triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, Uỷ ban Văn hoá và Xã hội đã ghi nhận nhiều ý kiến của xã hội ở các góc nhìn, khía cạnh khác nhau.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội phát biểu. |
Chia sẻ tại toạ đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông - Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho biết, sau khi ban hành Thông tư 29, Bộ GD&ĐT đã tăng cường công tác truyền thông, công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát một cách bài bản, quy củ.
Kết quả bước đầu cho thấy, đã có thay đổi về nhận thức của học sinh, phụ huynh; Các địa phương, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo phần lớn đã làm đúng thẩm quyền được quy định tại Thông tư. Bộ GD&ĐT sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến để hoàn thiện hơn trong quá trình thực hiện.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia, trao đổi, góp ý tại toạ đàm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, hiệu ứng của Thông tư 29 cho thấy sự quyết liệt của ngành Giáo dục và các bên liên quan trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.
Theo bà Hoa, khi dạy thêm đang tràn lan, khi có những vụ việc tiêu cực, ảnh hưởng đến danh dự của nhà giáo, ngành Giáo dục, khi chất lượng giáo dục tại các nhà trường giảm sút thì việc ban hành Thông tư 29 là điều cần thiết và đúng đắn.