Hoạt hình Disney đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ với những tuyến nhân vật công chúa, hoàng tử, bà tiên… Những năm gần đây, các nhà sản xuất từ Disney đã liên tục lựa chọn các diễn viên da màu thủ vai chính trong phiên bản live-action (phim người đóng) của các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng này, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhiều tác phẩm live-action khiến khán giả phải thất vọng. Chưa bàn đến nội dung, đa số người hâm mộ đều bày tỏ sự không ủng hộ với các tạo hình Bạch Tuyết, nàng tiên cá, bà tiên đều là các nhân vật da màu.
Đơn cử là nhân vật bà tiên đỡ đầu của Cinderella do Sony Pictures sản xuất. Tác phẩm thuộc thể loại phim nhạc kịch, do Camila Cabello đóng chính. Sau khi công chiếu, Cinderella nhận về kết quả đáng thất vọng, được đánh giá 39% trên Rotten Tomato.
Đặc biệt nhân vật Bà Tiên Đỡ Đầu gây ra nhiều tranh cãi. Trong tác phẩm này, bà Tiên được thể hiện bởi nam diễn viên da màu Billy Porter. Điều này cho thấy, hãng phim không chỉ thay màu da mà còn đổi cả giới tính của nhân vật. Dù có ý kiến ủng hộ phía Sony muốn làm mới câu chuyện về Lọ Lem thế nhưng phần lớn khán giả vẫn không thể chấp nhận được Bà Tiên "kiểu mới" này.
|
Billy Porter thủ vai bà tiên trong bộ phim live-action Cinderella. |
Phim chuyển thể Peter Pan and Wendy từ tác phẩm Peter Pan cũng có sự tham gia của diễn viên da màu trong tuyến nhân vật chính. Đó là Yara Shahidi trong vai nàng tiên Tinker Bell. Yara Shahidi vốn là là một nữ diễn viên có thực lực của Hollywood, đã thành công trong bộ phim Black-ish. Tuy nhiên, bởi vì đây là lần đầu tiên có diễn viên da màu đóng Tinker Bell nên nhiều khán giả đã cảm thấy không quen thuộc.
|
Yara Shahidi nhận vai Tinker Bell khiến khán giả bất ngờ. |
Gần đây khi nhà sản xuất phim điện ảnh Pinocchio tung trailer đầu tiên, khán giả cũng cảm thấy ngỡ ngàng về Cô Tiên Xanh khác hoàn toàn so với trí tưởng tượng của người hâm mộ. Cô Tiên Xanh từng là người phụ nữ có làn da trắng và mái tóc vàng nhưng ở phiên bản live-action, nhân vật này được giao cho Cynthia Erivo, nữ diễn viên mang làn da nâu.
Ngay sau đó, khán giả đã chia thành hai luồng ý kiến, một bộ phận ủng hộ quyết định của nhà sản xuất, cũng như cách để hãng phim thể hiện sự bình đẳng và đa dạng hóa nhân vật. Tuy nhiên, phần đông khán giả vẫn không thể chấp nhận ngay được bà tiên da màu này.
|
Bà tiên xanh trong Pinocchio khiến dư luận phân luồng ý kiến. |
Trước đó, nhận vai Ariel trong bộ phim Nàng tiên cá phiên bản người thật đóng (live-action) của Disney, Halle Bailey cũng gây nhiều tranh cãi. Người hâm mộ chia thành hai phe. Phe phản đối cho rằng Halle Bailey khác xa những hình dung của họ về Ariel. Trong bộ phim hoạt hình Nàng tiên cá năm 1989 cũng như hầu hết các tranh minh họa cho câu chuyện cùng tên của nhà văn Andersen, nàng tiên cá đều là người da trắng.
|
Halle Bailey cũng gây tranh cãi khi được giao đảm nhiệm vai nàng tiên cá Ariel. |
Trên thực tế, không phải do kỳ thị chủng tộc mà có những lý lẽ khác đằng sau luồng ý kiến phản đối việc Disney liên tục lựa chọn diễn viên da màu cho các vai diễn trong phiên bản live-action của các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của họ. Phần đông khán giả cho rằng, việc lựa chọn những người da màu đóng vai những nhân vật đã được định hình trong các câu chuyện cổ tích phương Tây không nhất thiết khiến câu chuyện mới lạ và hấp dẫn hơn. Sự thành công của phim còn đến từ độ tương thích của, kịch bản, diễn xuất…
Mặt khác, trong nền văn hóa của người da màu cũng có những câu chuyện cổ tích hay có thể đưa vào khai thác trong thế giới phim hoạt hình. Với những nền văn hoá này, việc lựa chọn những diễn viên da màu sẽ có tính tương thích và phù hợp hơn, đồng thời tạo ra cảm giác mới mẻ cho người xem, cả về cốt truyện và tuyến nhân vật.