Trước việc Ban quản lý nhiệt điện 2 của EVN xin đổ 3,5 triệu khối chất thải khi thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Việc đào đi 1 triệu mét khối chất thải trên bờ và 2,5 triệu khối chất thải nạo vét ở cảng than rồi đổ vào nơi khác ở Quảng Bình cần có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc và sự kiểm soát đổ thải phải thật sự chặt chẽ để bảo vệ môi trường trên bờ và trên biển.
|
Đánh giá tác động môi trường là để đảm bảo môi trường cư dân bản địa mưu sinh trên biển và dịch vụ kèm theo được tôn trọng. |
Hồi đáp lại, VP UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Xuân Quang.Theo đó, ông Nguyễn Trần Quang, Chánh văn phòng đã ký văn bản số 1982/VPUBND-KTN về việc hỗ trợ BQL dự án nhiệt điện 2 và đơn vị tư vấn trong công tác điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch. Theo công văn, UBND tỉnh Quảng Bình nhận được công văn số 77/ANĐ2-P4 ngày 7.4.2017 của Ban quản lý nhiệt điện 2 về việc hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trong công tác điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Sau khi xem xét, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang có ý kiến chỉ đạo: Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có tên trên phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa Ban quản lý dự án nhiệt điện 2 và đơn vị tư vấn thực hiện các nội dung liên quan công tác điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch đảm bảo tiến độ theo cam kết giữ Tập đoàn điện lực Việt Nam với UBND tỉnh Quảng Bình tại biên bản làm việc ngày 19.11.2016. Giao Sở Công thương làm đầu mối, phối hợp với Ban quản lý nhiệt điện 2 và đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Không nguy hại?
Một số chuyên gia môi trường cho biết, trong công nghiệp nặng có phân loại nguồn thải gồm chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Rất có thể hạng mục đào bóc đất hữu cơ và nạo vét là chất thải không nguy hại.
Theo một đại diện EVN, các vật liệu nạo vét trên biển bao gồm: Bùn, cát tự nhiên được nạo vét từ đáy biển (cát từ biển có thể dùng để san lấp, tôn tạo mặt bằng). Các vật liệu thải trên bờ bao gồm: Phần đất bóc hữu cơ (đây là lớp đất màu có thể dùng để hoàn trả mặt bằng, cải tạo cho các công trình khai thác vật liệu xây dựng; cải tạo đất để trồng cây cối, hoa màu); phần đất đào hố móng công trình, thi công xây dựng bãi thải xỉ (đây là lớp đất nằm tầng dưới có thể sử dụng để san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng, tôn tạo mặt bằng); khối lượng dự kiến khoảng 1 triệu m 3 . Các loại chất thải này phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6696:2009 về chất thải rắn - bãi chôn lấp hợp vệ sinh - yêu cầu chung về bảo vệ môi trường.
|
Tham vấn ý kiến cộng đồng cư dân với 3,5 triệu mét khối chất thải là cực kỳ quan trọng. |
Theo EVN, trong các ngày 11.4 và 21.4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình và Sở TN&MT đã có văn bản, tổ chức họp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để tham khảo ý kiến về vị trí đổ vật liệu thải để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo. Theo ý kiến của các bên tham gia, quy hoạch các vị trí đổ thải trên bờ hiện tại chưa có; việc giới thiệu vị trí trên bờ để khảo sát, đánh giá, quy hoạch thì khó bố trí đối với khối lượng thải lớn. Việc giới thiệu vị trí khảo sát, đánh giá, quy hoạch và lập tác động môi trường (ĐTM) cho khu vực đổ vật liệu thải trên biển hiện tại phải thực hiện đúng quy định hiện hành. Sở TN&MT đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với địa phương để được giới thiệu các vị trí phù hợp. Các vật liệu thải có thể sử dụng để san lấp thì Sở TN&MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh giới thiệu cho các chủ đầu tư trên địa bàn để có phương án sử dụng hợp lý, để tránh lãng phí.
Trên một số tờ báo, đề cập đến vấn đề này, đại diện EVN cho biết chủ đầu tư phải có phải có văn bản báo cáo, đề nghị địa phương giới thiệu địa điểm, sau đó sẽ tổ chức lặn biển thăm dò, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuyết trình nó trước các cơ quan chức năng, được thông qua mới chính thức thực hiện.
Dư luận người dân xã Quảng Đông, nơi thực hiện dự án cho rằng đánh giá tác động môi trường toàn bộ dự án và đánh giá tác động môi trường việc đào đổ 3,5 triệu mét khối chất thải này cần thực hiện nghiêm túc cũng như lấy ý kiến tham vấn nhân dân để đảm bảo trình tự môi trường được tôn trọng nếu không lỡ xảy ra vấn đề hệ lụy, người dân là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu những thiệt hại tiêu cực.