Ngày 6/5, TAND huyện Quang Bình tiếp tục mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Khánh (SN 1982, thường trú ở tổ 8, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) về tội “Huỷ hoại rừng”.
Xuất hiện file ghi âm nghi chạy án?
Tiếp tục với phần xét hỏi, luật sư Trần Đình Triển đã đề cập đến việc có đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa Vũ Hồng Quân và Nguyễn Trọng Khánh, trong cuộc nói chuyện đó, anh Quân có nói rằng: "Tôi đã gặp anh Công và anh Tho (Công an huyện Quang Bình thời điểm đó - PV), tôi đã lo đủ cho ông".
Tuy nhiên, anh Quân đã phủ nhận về nội dung trên. Đồng thời, luật sư Trần Đình Triển cho biết, dù kết quả của phiên toà hôm nay có như thế nào, thì sau phiên toà sẽ có trách nhiệm chuyển toà bộ băng ghi âm lại cho toà, cũng như Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét về nội dung trên.
|
Xét xử vụ án “Huỷ hoại rừng”ở Hà Giang. |
Tiến diễn trong phiên toà, khi HĐXX hỏi người làm chứng Nguyễn Thị Tiện về việc ai là người liên hệ để nhờ người phát rừng, người làm chứng cho biết, bị cáo Khánh là người nhờ với giá thoả thuận là 5 triệu/ha. Tuy nhiên, bản thân chỉ thanh toán cho người phát rừng số tiền 4triệu/ha.
“Khi thanh toán tiền thì anh Vũ Hồng Quân là người trực tiếp mang tiền đến nhà tôi (số tiền 45 triệu đồng)”, Nguyễn Thị Tiện nói.
Cũng trong phiên toà, khi luật sư có đề cập đến đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Nguyễn Thị Tiện với những người liên quan. Nội dung ghi âm đề cập đến việc phát rừng ở Yên Bình và Tân Bắc, thì Tiện có nói: "2 anh (tức anh Vũ Hồng Quân và Nguyễn Trọng Khánh) bàn với nhau đi không là chết cả “lút”", tuy nhiên nhân chứng Nguyễn Thị Tiện không nói về vấn đề trên.
Tiếp tục phần hỏi, anh Phượng Chòi Pú – người được chị Tiện thuê phát rừng cho hay, ông được thuê phát rừng với giá 4 triệu đồng/ha. Thời gian làm khoảng 10 ngày. Khi bàn giao, những cây to trên 25 vanh chưa bị chặt và sau này ai chặt ông không biết.
Tại phần hỏi, bị cáo Nguyễn Trọng Khánh cho biết, có 2 biên bản lập ở khu rừng bị phát, trong đó có 1 biên bản lập về việc đo tọa độ khu đất thì bị cáo có đi và có ký.
Còn biên bản xác định diện tích đất rừng bị phát thì bị cáo không đi và không ký còn chữ ký của bị cáo ở trang 2 là do bị thay đổi trang đầu của biên bản.
Trả lời HĐXX về nội dung trên, ông Hoàng Văn Lũy – công chức địa chính, giao thông, xây dựng xã Tân Bắc cho biết, có 2 buổi kiểm tra ở khu đất trên. Buổi kiểm tra lần 2 ngày 6/4 ông đi cùng đoàn thì không có bị cáo Khánh. Việc vì sao bị cáo Khánh lại ký tên vào chỗ chủ hộ trong biên bản trên thì ông không biết.
Ông Lũy cho biết thêm, khu đất của ông Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Đặng Văn Kim có 3 mặt là giáp đất hộ gia đình đã được trồng cây keo và một mặt giáp đất do UBND xã Tân Bắc quản lý là rừng tự nhiên.
Làm rõ số tiền chuyển nhượng đất
Tiếp tục với phần xét hỏi, trước các câu hỏi của HĐXX về việc mua bán đất, anh Vũ Hồng Quân cho biết, bản thân không liên quan gì đến việc mua bán đất với bị cáo Khánh, mà chỉ là người mua hộ cho 2 người dưới Hà Nội.
|
Tru sở Toà án nhân dân huyện Quang Bình. |
Cùng trả lời HĐXX, ông Nguyễn Đức Dụ (SN 1968, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - bố của Nguyễn Đức Bình Dương (SN 1999) cho biết, anh Vũ Hồng Quân (SN 1981, trú thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang) là em họ của ông.
Cuối năm 2021, ông có nhu cầu mua đất khoảng 9ha để phát triển kinh tế nên đã liên hệ với anh Quân để nhờ tìm giúp và anh Quân đồng ý.
Sau đó, anh Quân có chuyển cho anh Dụ hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 thửa đất Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Đặng Văn Kim (3 thửa) với tổng diện tích khoảng 25ha, giá mua là 1.920.000.000 đồng.
Do nhu cầu của ông Dụ chỉ mua 9ha nên ông Dụ đã đồng ý mua 2 thửa của ông Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Ngọc Nghĩa, còn 3 thửa đất của ông Đặng Văn Kim, ông Dụ giới thiệu lại cho anh Đinh Lam Thắng (SN 1982, trú tại Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mua.
Trình bày tại phiên tòa, ông Dụ cho biết, bố của anh Đinh Lam Thắng đã chuyển cho anh Vũ Hồng Quân một lần duy nhất là 2 tỷ đồng, trong đó, tiền mua đất của ông hơn 700 triệu, của anh Thắng hơn 1 tỷ đồng. Còn khoảng 80 triệu đồng là tiền ông gửi trước cho anh Quân để mua cây sắn, keo trồng tại 2 thửa đất chưa trồng cây của ông Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Ngọc Nghĩa.
Cùng nội dung này, luật sư Trần Đình Triển đề cập đến việc 2 người mua đất dưới Hà Nội chuyển cho anh Quân không chỉ số tiền 2 tỷ đồng, mà tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng (Trong đó ông Chiến(bố anh Đinh Lam Thắng) chuyển 2,1 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Dụ chuyển hơn 500 triệu đồng).
Đồng thời, luật sư Triển cũng cho biết, việc ông Dụ khai bố anh Thắng chuyển cho anh Quân 1 lần với sô tiền 2 tỷ đồng là không chính xác, bởi theo tài liệu điều tra, bố anh Đinh Lam Thắng chuyển cho anh Quân 2,1 tỷ đồng.
Nói về việc này, anh Vũ Hồng Quân cho biết, đã nhận số tiền trên và giải thích số tiền trên ngoài tiền mua đất thì còn làm việc khác, nhưng không cho biết là làm việc gì.
Trình bày tại tòa, ông Dụ xác nhận với HĐXX rằng, ông đã ủy quyền cho anh Quân toàn quyền trong việc mua bán và quản lý sử dụng đất đó nhưng không có văn bản, chỉ nói mồm.
Đồng thời, con trai ông là Nguyễn Đức Bình Dương cũng ký bản thỏa thuận với ông Quân về việc mua đất, sử dụng đất.
Luật sư Trần Đình Triển, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Khánh hỏi rằng, khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông thấy nội dung trong đó và nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ghi "mục đích sử dụng đất là đất rừng sản xuất" có giống nhau không?
Ông Nguyễn Đức Dụ khẳng định là giống nhau và cho biết, hơn 9ha này không có tài sản nhưng trong hợp đồng lại nêu "chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất". Ông nghĩ đây là mẫu hợp đồng nên không đề nghị sửa hợp đồng vì nghĩ nó đơn giản.
Tại phiên tòa, luật sư Trần Đình Triển nêu rõ, theo hợp đồng đã ký kết giữa Nguyễn Đức Bình Dương và ông Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Ngọc Nghĩa (chủ đất) thì giá trị chuyển nhượng thực tế và giá trị trên hợp đồng rất khác nhau. Giá trị thực tế gấp khoảng 7 lần số tiền được kê khai trên hợp đồng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên toà.