Theo luật sư Đào Thị Lan Anh, việc kỷ luật khiển trách, điều chuyển công tác với Trung tá Đặng Thành Sơn do bị tố quỵt nợ 5,6 tỷ là quá nhẹ.
Liên quan đến vụ việc Trung tá Đặng Thành Sơn – cựu Trưởng công an phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) bị tố quỵt nợ số tiền 5,6 tỷ đồng của bà Lê Ánh Ngân (SN 1965 trú tại số 60 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch), Công an quận Ba Đình đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức khiến trách do vay nợ để kéo dài, chưa giải quyết dẫn đến có đơn thư làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự lực lượng công an nhân dân.
Theo nguồn tin của phóng viên được biết, Trung tá Đặng Thành Sơn sau khi bị kỷ luật đã được điều động luân chuyển về Công an quận Ba Đình giữ chức Đội phó Đội Hỗ trợ tư pháp – Công an quận Ba Đình. Một lãnh đạo Công an quận Ba Đình xác nhận về việc xử lý kỷ luật đối với trung tá Đặng Thành Sơn.
|
Trụ sở Công an phường Trúc Bạch. |
Thông tin mà phóng viên báo Pháp luật Việt Nam được biết, Viện KSND TP Hà Nội và Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, xác minh và xác định, việc bà Ngân cho ông Sơn vay tiền là có thật.
Tại cơ quan điều tra bà Ngân khai đã cho ông Sơn vay 4,7 tỷ đồng và 45.000 USD. Việc vay mượn không có giấy tờ, chỉ lần ngày 14/9/2014 ông Sơn vay 300 triệu đồng viết giấy vay nợ anh rể bà Ngân là ông Trịnh Bá Ngọc.
Trong số 7 lần vay tiền, vào tháng 9/2012, ông Sơn hỏi vay nhưng không có tiền nên bà Ngân đã hỏi bà Trần Thị Xuân (hàng xóm bà Ngân) để đưa ông Sơn vay 300 triệu đồng. Việc bà Ngân đưa tiền cho ông Sơn có bà Xuân chứng kiến.
Quá trình xác minh, ông Đặng Thành Sơn chỉ thừa nhận vay bà Ngân 300 triệu đồng vào ngày 19/4/2014 và có nói với bà Ngân trả số tiền vay trong vòng 2 năm.
Bà Trần Thị Xuân (hàng xóm bà Ngân) cũng thừa nhận cùng ông Sơn góp tiền mua chung căn nhà trong ngõ 267 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) với giá 4,5 tỷ đồng (bà Xuân góp 3 tỷ đồng, ông Sơn góp 1,5 tỷ đồng).
Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành trưng cầu giám định các đoạn ghi âm do bà Ngân cung cấp, xác định: Nội dung các đoạn ghi âm không thể hiện việc ông Sơn thừa nhận vay 5,3 tỷ đồng của bà Ngân.
Tuy nhiên các đoạn ghi âm có nội dung ông Sơn gán phần tiền góp mua nhà chung với bà Xuân là 1,3 tỷ đồng cho bà Ngân. Ngoài ra còn có nội dung thể hiện “Em sẽ cố gắng thu xếp cho chị 1 tỷ đồng trong vòng 2 năm”.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đào Thị Lan Anh – Công ty luật Thiên Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Việc Công an quận Ba Đình tiến hành kỷ luật khiển trách, điều chuyển công tác đối với trung tá Đặng Thành Sơn - nguyên Trưởng công an phường Trúc Bạch là quá nhẹ so với hành vi vi phạm của ông Sơn.
|
Luật sư Đào Thị Lan Anh (công ty luật Thiên Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng Công an quận Ba Đình kỷ luật khiển trách điều chuyển công tác đối với trung tá Đặng Thành Sơn là quá nhẹ. |
Bởi lẽ, quyết định giải quyết khiếu nại ngày 25/9/2018 của Viện Kiểm Sát ND TP Hà nội xác định việc ông sơn vay tiền của bà Ngân là có thật.
Việc vay mượn không có giấy tờ, chỉ lần ngày 19/4/2014 ông Sơn vay 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng ) là có giấy vay tiền của ông Trịnh Ngọc Bang (anh rể bà Ngân).
Trong khi đó, tại bản kết luận giám định số 5031/C54 –P6 ngày 14/11/2017 của Viện Khoa học hình sự kết luận: “ Tiếng nói của người đàn ông được ký hiệu là Sơn trong bản dịch nội dụng ghi âm mẫu cần giám định và tiếng nói của ông Đặng Thành Sơn trong mẫu so sánh là cùng một người” đã khẳng định, ông Sơn có vay tiền của bà Ngân.
Theo quy định tại điều 466 - Bộ luật dân sự 2015 thì người đi vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho người vay cụ thể:
Nếu tài sản vay mượn là tiền thì người đi vay phải trả đúng số tiền đã vay.
Nếu tài sản là vật thì người đi vay phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, nếu không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Ngoài ra, nếu đến hạn trả nợ mà người đi vay không trả hoặc không trả đủ sổ tiền đã vay thì người cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả.
Theo luật sư Lan Anh, ngoài việc trả lãi trên số nợ quá hạn theo bộ luật dân sự quy định, thì nhiều trường hợp người đi vay mà không trả có thể bị xử lý hình sự.
Tùy vào mức độ tính chất cũng như giá trị khoản vay mà người đi vay có thể bị xử phạt về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tại điều 175 - Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách vay mượn tài sản của người khác hoặc nhận tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng mà đến thời hạn trả tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng; Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành ghề hoặc làm công việc nhất định từ 1năm đến 5 năm; Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.