Không được nhận làm con nuôi theo quy định pháp luật, Toà vẫn xác định nguyên đơn là “con nuôi”
Trước đó, ông Võ Minh Nhân khởi kiện yêu cầu bà Hưng, Ngân hàng TMCP Kiên Long và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả lại cho mình số tiền 3,8 tỷ đồng là di sản của bà Võ Thị Nguyệt (đã mất năm 2022) để lại. Ông Nhân cho rằng mình là con nuôi của bà Nguyệt nên thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được quyền thụ hưởng toàn bộ di sản của bà Nguyệt.
Bản án sơ thẩm số 39/2024/DS-ST ngày 14/8/2024 của TAND thành phố Hồng Ngự tuyên buộc bà Hưng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả lại cho ông Nhân số tiền 3.360 triệu đồng (sau khi đã cấn trừ số tiền ông Nhân đã được nhận trước đó). Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Võ Thị Ngọc Hưng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án.
![]() |
Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). |
Hồ sơ thể hiện, bà Võ Thị Nguyệt là con của cụ Võ Văn Cứng (mất năm 1995) và cụ Lương Thị Thiệp (mất năm 2016). Vợ chồng cụ Cứng - Thiệp có các người con gồm: bà Võ Thị Ngọc Hưng; bà Võ Thị Nguyệt (chết năm 2022); bà Võ Thị Quý; ông Võ Văn Tổng; ông Võ Văn Pho; bà Võ Thị Kim Dung; bà Võ Thị Chính; ông Võ Văn Bích (đã mất trước bà Nguyệt, có con là Võ Thị Thu Ngân).
Nguyên đơn ông Võ Minh Nhân là con ruột của ông Võ Văn Tổng và bà Lê Thị Thuẩn. Năm 1985, sau khi sinh ông Nhân được 03 tháng tuổi thì vợ chồng ông Tổng - bà Thuẩn mâu thuẫn, bà Thuẩn bỏ đi, ông Tổng một mình không thể chăm con nhỏ nên đã đưa con trai (Nhân) về gửi cho cha mẹ ruột của mình (vợ chồng cụ Cứng) nuôi giúp và sau đó cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhân được ông bà nội là vợ chồng cụ Cứng - cụ Thiệp nuôi dạy; bà Nguyệt khi đó còn trẻ, ở chung nhà và cùng hộ khẩu với vợ chồng cụ Cứng - cụ Thiệp và Nhân.
Khi Nhân lớn lên, đi học thì bà Nguyệt đại diện đi đăng ký khai sinh cho cháu tại UBND thị trấn Hồng Ngự (nay là UBND phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự, Đồng Tháp), lần thứ nhất vào ngày 09/9/1989; lần thứ hai vào ngày 03/10/1992. Tại giấy khai sinh, phần thông tin người mẹ ghi: Võ Thị Nguyệt, sinh năm 1959 kèm địa chỉ; Phần “Họ, tên của người đứng khai” ghi “Cô: Võ Thị Nguyệt, sinh năm 1959 kèm địa chỉ của bà Nguyệt, trùng khớp với thông tin như ở phần thông tin người mẹ.
Do được ông bà nội nuôi dưỡng nên ông Nhân có tên trong sổ hộ khẩu nhà cụ Lương Thị Thiệp (sổ cấp năm 1998), phần nhân khẩu Võ Minh Nhân ghi quan hệ với chủ hộ: Cháu; sổ này cũng có tên bà Nguyệt, quan hệ với chủ hộ: Con. Đến năm 2008, bà Nguyệt tách sổ hộ khẩu riêng, chủ hộ là Võ Thị Nguyệt, không có tên ông Nhân; năm 2017 bà Nguyệt làm lại sổ hộ khẩu và thay đổi địa chỉ nhà, cũng chỉ có một mình tên bà Nguyệt chủ hộ.
Khi còn sống, bà Nguyệt có số tiền 3,8 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tháng 02/2022 bà Nguyệt mất không để lại di chúc. Sinh thời bà Nguyệt độc thân, không có con đẻ, không có con nuôi nên không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Ngày 14/4/2022, tại Phòng công chứng số 3 tỉnh Đồng Tháp, anh chị em ruột của bà Nguyệt thuộc hàng thừa kế thứ hai gồm: bà Hưng, bà Quý, ông Tổng, ông Pho, bà Chính, bà Ngân và bà Dung đã lập “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” do bà Nguyệt để lại. Theo văn bản thoả thuận này, bà Hưng được giao đứng nhận toàn bộ tài sản của bà Nguyệt gửi tại ngân hàng và được toàn quyền định đoạt. Khi nhận được “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” đã được công chứng và các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến người để lại di sản thừa kế, những người thừa kế. Căn cứ văn bản công chứng và các văn bản xác minh tại UBND phường An Thạnh công nhận bà Nguyệt không còn người thừa kế nào khác, do đó cuối năm 2022, Ngân hàng Kiên Long đã thực hiện việc chi trả toàn bộ di sản thừa kế mà bà Nguyệt để lại cho bà Hưng.
Dấu hiệu vi phạm tố tụng, nhiều tình tiết cần làm rõ
Trình bày với phóng viên, ông Võ Văn Tổng (bố đẻ của ông Nhân) cho biết, lúc ông Nhân còn nhỏ, do ông Tổng và bà Thuẩn mâu thuẫn tình cảm, vợ bỏ đi, ông cũng không thể nuôi con nhỏ (3 tháng tuổi) nên ông đưa Nhân về ở với ông bà nội. Bà Nguyệt lúc đó cũng còn độc thân nên cũng ở chung nhà. Theo ông Tổng, việc bà Nguyệt làm thủ tục đăng ký khai sinh cho ông Nhân ngày 03/10/1992 mục đích là để cho ông Nhân đi học lớp 1. Về giấy khai sinh ngày 09/9/1989 có ghi thông tin bà Nguyệt là mẹ, ông Tổng khẳng định không biết sự tồn tại của giấy khai sinh này. Ông sẽ đề nghị tòa phúc thẩm làm rõ thông tin có hay không việc tồn tại Giấy khai sinh đề ngày 09/9/1989, vì trong hồ sơ lưu của UBND phường An Thạnh chỉ có bản sổ mục khai sinh viết tay (không có chữ ký của bà Nguyệt cũng như tên và chữ ký người cấp), nhưng tòa sơ thẩm bỏ qua không xem xét chứng cứ này.
![]() |
Hai bản sao giấy khai sinh khác nhau của phía nguyên đơn (ảnh: Hồ sơ vụ án). |
“Tôi không có bất cứ lời nói hay giấy tờ nào thể hiện việc cho Nhân làm con nuôi bà Nguyệt. Việc cho nhận con nuôi phải được thực hiện làm thủ tục cho và nhận con nuôi và phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Chỉ vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ly hôn nên tôi để Nhân ở với ông bà nội. Chưa bao giờ tôi có ý định cho Nhân làm con nuôi bà Nguyệt, Nhân chỉ là người ở cùng với bà Nguyệt mà thôi. Do vậy, ông Nhân không có quyền yêu cầu đòi lại tài sản do bà Nguyệt để lại”, ông Tổng nói.
Luật sư Phạm Hoài Thu (Đoàn LS TP HCM) cho rằng: Bản án sơ thẩm của TAND TP Hồng Ngự đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng, xác định sai về mối quan hệ tranh chấp (mối quan hệ tranh chấp thực chất của vụ án này phải là “Tranh chấp di sản thừa kế” chứ không phải “Tranh chấp đòi lại tài sản”). Do xác định sai về mối quan hệ pháp luật, đối tượng tranh chấp nên đã Toà sơ thẩm áp dụng luật nội dung không phù hợp để phán quyết.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, Luật Nuôi con nuôi 2010 và các nghị định hướng dẫn liên quan xác định rõ, việc cho, nhận, đăng ký, chứng nhận con nuôi. Thực tế, bà Nguyệt không phải là người xin con nuôi, ông Tổng và bà Thuẩn không làm giấy đồng ý cho con và bà Nguyệt cũng không thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. LS Thu cho rằng, bà Nguyệt chỉ là người cô cùng gia đình chăm sóc nuôi dưỡng Nhân. Vì ông Nhân được ở cùng với mọi người trong gia đình bà Nguyệt từ nhỏ, nên việc bà Nguyệt đứng tên khai sinh cho cháu cũng là điều dễ hiểu, và không thể coi việc khai sinh đó là cơ sở xác định Nhân là con nuôi bà Nguyệt.
Bên cạnh đó, hồ sơ vụ án có tình tiết thể hiện ý chí cá nhân của bà Nguyệt không đồng ý coi Nhân là con nuôi bởi khi tách sổ hộ khẩu ra ở riêng của bà Nguyệt năm 2008 và năm 2017 làm lại sổ hộ khẩu, bà Nguyệt không hề đưa tên Nhân vào theo sổ hộ khẩu. Thực tế, ông Nhân vẫn sống với bà nội tại nhà nội. Do đó ông Nhân không thể đương nhiên là con nuôi của bà Nguyệt. Do vậy, ông Nhân không phải là hàng thừa kế thứ nhất để có thể được hưởng toàn bộ di sản của bà Nguyệt.
“Việc tòa án cấp sơ thẩm ra phán quyết công nhận ông Nhân là hàng thừa kế thứ nhất là hoàn toàn không thuyết phục, không đúng căn cứ pháp luật”, LS Thu nói.
Phía bị đơn mong chờ phán quyết thấu tình đạt lý của TAND cấp phúc thẩm tới đây, hy vọng vụ án được xét lại một cách toàn diện, khách quan, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phía bị đơn, và quan trọng nhất là để vụ án được giải quyết công minh, đúng căn cứ pháp luật.
Hoàng Anh