Vốn dự án gần 3000 tỷ, hứa hẹn là công trình giao thông cấp bách phục vụ phòng chống lũ lụt... thế nhưng dự án vẫn đang “thi gan” cùng mưa nắng.
Không chỉ riêng Dự án xây dựng công trình cải tạo sông Phan mới chậm tiến độ, nhiều dự án có số vốn khủng khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang “ì ạch” về tiến độ.
Đại dự án cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp giao thông là dự án mang tính cấp thiết nhưng thi công theo kiểu "rùa bò" mà báo Phapluatplus.vn sẽ thông tin dưới đây.
Công trình mang tính cấp bách
Được khởi công từ cuối năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao vào giữa năm 2013, trước mùa mưa bão. Nhưng đến nay đã quá hạn 3 năm, dự án gần như vẫn “nằm im một chỗ”.
|
Vốn của dự án là gần 3000 tỷ đồng. |
Được biết, Đại Dự án cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông là một trong những dự án quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc và là dự án lớn nhất từ trước đến nay của hai huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, bởi đây được xem là công trình giao thông cấp bách phục vụ công tác phòng chống lũ lụt, cứu nạn, cứu hộ ở địa phương này.
Năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn đề nghị về việc chỉ định thầu Dự án nâng cấp đê Tả sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Và Phó Thủ tướng khi đó đã có ý kiến chỉ đạo theo Công văn số 1497/VPCP-KTN của Văn phòng chính phủ ngày 10 tháng 03 năm 2010 về việc chỉ định thầu Dự án nâng cấp đê Tả sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Khởi công từ năm 2011 dự kiến hoàn thành năm 2013. |
Như vậy, không thể phủ nhận dự án này có ý nghĩa hết sức to lớn, nếu được hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng dự án.
Đảm bảo tài sản tính mạng của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, chống lấn chiếm hành lang đê, ứng cứu kịp thời cho các vùng khi xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hình thành một trục giao thông chính liên kết các xã, huyện phía Nam của tỉnh với các đầu mối kinh tế xã hội của vùng như Hà Nội, Việt Trì.
Qua tìm hiểu được biết, tại huyện Vĩnh Tường, tổng mức đầu tư của dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt với số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
Trên cơ sở dự án được phê duyệt, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế đã khẩn trương tiến hành khảo sát lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và trình Sở Giao thông vận tải thẩm định. Sau khi UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và điều chỉnh, bổ sung; dự án có tổng mức dự toán được phê duyệt là 1.492,492 tỷ đồng.
Công trình có chiều dài 18km chạy qua 11 xã với khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng lớn. Trước đó, UBND huyện đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm kê và đã phê duyệt, chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng phần cây cối, đất nông nghiệp.
Dự án được chia thành 3 gói thầu do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn), liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng.
Tại huyện Yên Lạc (có tổng dự toán được phê duyệt trên 1.171 tỉ đồng), gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc, Vĩnh Phúc thực hiện thầu.
Thi công kiểu “nửa vời”
Dự kiến dự án đi qua hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2013, nhưng cho đến nay dự án này vẫn đang “đánh đu” với tiến độ, đồng nghĩa với việc phủ nhận tính cấp bách như ban đầu mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra. Đồng thời khiến người ta không khỏi nghi ngại về năng lực của các nhà thầu nói trên.
|
Người dân đang ghi ngờ về năng lực của nhà thầu và đơn vị thi công. |
Ngày Đại dự án cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông khởi công rầm rộ ở hàng loạt các đoạn tại đê tả Sông Hồng đoạn chạy qua hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường người dân địa phương hồ hởi mong đợi. Xe trở đất, máy cẩu, máy xúc ồ ạt hoạt động khiến quá trình thì công dự án hứa hẹn ngày hoàn thành.
Người dân mong đợi một tuyến đê vững chắc, tuyến đường giao thông thoáng rộng, mặc dù thời điểm ấy đi lại trên đê khó khăn, bụi và ồn ào nhưng không ai kêu ca phàn nàn. Thế nhưng, gần 6 năm nay, Dự án vẫn chỉ đổ được đất nền, một vài đoạn có bê tông còn lại là đất, bẩn và bụi...
Dư luận nghi ngại rằng một nguồn vốn lớn lên đến 2.600 tỷ đồng, công trình mang tính cấp bách đáng ra phải được đấu thầu để chọn lựa được một nhà thầu có năng lực hơn, biết đâu công trình đã hoàn thiện và không nằm thi gan với tiến độ như hiện nay.
|
Bụi và bẩn ảnh hương đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. |
Trái với việc thi công rầm rộ vào thời điểm ban đầu, hiện nay theo quan sát của PV, công trình đang ngổn ngang những vật liệu, máy móc nằm im đợi những đợt thi công mới, thậm chí có đoạn còn y như ban đầu chưa hề được động chạm tới.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao dự án lại đang phải nằm “đắp chiếu”, do năng lực của các nhà thầu hay các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc yếu kém và bao giờ thì công trình mới có thể hoàn thành?
Trước khi có câu trả lời từ các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, thì người dân địa phương đang gánh chịu hậu quả về môi trường, đời sống sinh hoạt khi mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù đường… Và không biết tính mạng của họ có được đảm bảo trong các mùa mưa bão…
Những thắc mắc này xin gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, vì người dân nơi đây đang mong mỏi một câu trả lời thỏa đáng?