Nguyên nhân ban đầu được xác định là do giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long tuần qua đi ngang, trong khi nguồn cung tăng, điều này khiến cho giá xuất khẩu giảm nhẹ.
Giá gạo đi ngang
Tuần qua đã diễn ra một thông tin đáng quan tâm là trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp.
Được biết, không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng giảm trong tuần qua, do nhu cầu thấp hơn và nguồn cung tăng, trong khi giá gạo của Ấn Độ ổn định nhờ nhu cầu của các nước châu Phi được duy trì.
|
Vì sao giá gạo xuất khẩu giảm? |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm 4 USD/tấn so với phiên giao dịch trước và thấp hơn đáng kể so với sản phẩm cùng loại của Thái lan và Pakistan.
Cụ thể, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu đã giảm từ 5 - 8 USD/tấn.
Trong đó gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 8 USD, xuống còn 574 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 25% tấm giảm 5 USD, xuống còn 552 USD/tấn.
Riêng gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 485 USD/tấn.
Giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn (cao hơn 46 USD/tấn) và Pakistan là 593 USD/tấn (19 USD/tấn).
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4,2 triệu ha lúa, bằng 99% so với cùng kỳ.
Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 2,64 triệu ha, bằng 100,3%. Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,84 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ.
Diện tích lúa từ nay đến cuối năm dự kiến gieo cấy khoảng 2,89 triệu ha; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu ha, sản lượng lúa dự kiến thu được khoảng 25,56 triệu tấn.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức giá từ 580 - 585 USD/tấn vào ngày 30/5, giảm so với mức từ 585 - 590 USD/tấn của tuần trước đó.
Giá gạo giảm khi nguồn cung tăng, do nông dân thu hoạch vụ Hè Thu nhiều hơn.
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang (ngày 3/6), giá lúa IR 50404 giá dao động quanh mốc 7.400 - 7.500 đồng/kg; Nếp Long An (khô) ở mức 9.800 - 10.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ổn định 7.600 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 380 dao động từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 7.600 - 7.700 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg; Nếp đùm 3 tháng (khô) 9.000 - 9.100 đồng/kg.
Tăng cường thanh kiểm tra
Ở diễn biến khác, ngày 28/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo và rau quả những tháng cuối năm 2024.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; Yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ càng cao và có tính ổn định; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước…
|
Ảnh minh hoạ - Nguồn chinhphu.vn |
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo, rau quả xuất khẩu của Việt Nam; Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo và rau quả để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng này.
Không chỉ vậy, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong quy trình sản xuất, nhất là sử dụng các vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…
“Bộ Công Thương luôn sẵn sàng vào cuộc cùng Bộ NN&PTNN để xử lý những vi phạm trong lĩnh vực này” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định; đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng.
Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, tránh buôn lậu, gian lận thương mại đối với các sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có mặt hàng gạo và rau quả.
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm của doanh nghiệp, người sản xuất tham gia hoạt động xuất nhập khẩu gạo và rau quả; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu; trong đó xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ. |