Bãi bỏ Thông tư 20 sẽ làm giảm nguy cơ hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
Gõ cụm từ “thông tư 20” vào công cụ tìm kiếm của Google thì chỉ cần 0,30 giây đã cho ra tới 5,09 triệu kết quả, trong đó nổi lên các bài viết được sắp xếp ngay trang đầu tiên chủ yếu là các tiêu đề bài viết bàn luận đến đề xuất bãi bỏ thông tư 20…
|
VCCI: Bãi bỏ Thông tư 20 sẽ làm giảm nguy cơ hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Ảnh minh họa (nguồn: http://choxe.net) |
Điều đó cho thấy rằng, dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm xung quanh những qui định của thông tư 20 (Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
Hai bờ lợi ích từ thông tư 20
Thông tư 20 của Bộ Công thương đã được áp dụng trong 5 năm qua và đã hết hạn kể từ ngày 1/7/2016. Thế nhưng hiện nay, việc các qui định của thông tư này có còn được áp dụng hay không, thì vẫn chưa có quyết định nào chính thức. Chính vì vậy trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện chủ yếu hai luồng ý kiến: một luồng ý kiến là kêu gọi Bộ Công thương bãi bỏ hiệu lực của thông tư này, còn luồng ý kiến ngược lại là muốn níu kéo và giữ lại các qui định của thông tư này.
Có một thực tế khá ngạc nhiên, đó là việc hiếm thấy ý kiến của người tiêu dùng lên tiếng ủng hộ cho việc giữ lại các qui định của thông tư 20 này. Mà các ý kiến lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ tiếp tục áp dụng các qui định của thông tư 20 này lại chính là các nhà sản xuất và phân phối ôtô chính hãng, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA)…
Tìm hiểu lại các qui định của Thông tư 20 của Bộ Công thương cho thấy, kể từ ngày 26/6/2011, các thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định liên quan có hiệu lực tại thời điểm đó sẽ phải nộp bổ sung những 2 nhóm giấy tờ quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật; Thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Chính hai điểm “mấu chốt” này của thông tư 20 đã tạo ra những ý kiến trái chiều nhau khá gay gắt và thậm chí còn được ví von là “cuộc đối đầu của hai nhóm lợi ích”, giữa bên được coi hưởng lợi là các nhà sản xuất, nhập khẩu ôtô nước ngoài chuyên nghiệp và một bên là các nhà nhập khẩu ôtô tư nhân trong nước đang bị yếu thế trong hoạt động này.
“Đẻ” ra độc quyền và 1 ví dụ trong mua xe BMW
Trong hàng loạt các bài viết tìm thấy trong kết quả của Google cho cụm từ “thông tư 20”, thì nổi lên trang đầu tiên là hàng loạt các tít bài viết như: “Thông tư 20 - ai là người chịu thiệt?”, “Thị trường ôtô: Thông tư 20 đang tạo động lực ngược”, “Bỏ Thông tư 20, giá ô tô sẽ rẻ và người dân có nhiều sự lựa chọn”, “"Đau khổ" với Thông tư 20, một doanh nghiệp vừa gửi tâm thư…”. Thứ tự hiển thị của Google cũng thể hiện đó là những bài viết có tính phổ biến và được bạn đọc nhiều nhất theo thống kê của công cụ tìm kiếm này.
Trong các ý kiến phản bác các qui định trong thông tư 20, đã có nhiều ý kiến phân tích cho rằng, chính thông tư 20 đã tạo ra sự độc quyền và làm vô hiệu yếu tố cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh ôtô tại thị trường Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ ra rằng, thông tư 20 đã tạo sự hưởng lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài và các “ông lớn” nhập khẩu ôtô.
Chính vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nhập khẩu phân phối ô tô bị thiệt thòi vì phải đứng ngoài cuộc chơi, mà chính người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi khi không có quyền được chọn lựa mua xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc với giá hợp lý, bởi thị trường thiếu tính cạnh tranh ở bên bán.
Một độc giả cũng đã phản ánh với TBTCVN rằng, chính vị độc giả này vừa qua có mua một chiếc xe ô tô hiệu BMW 528i, xe mới 100% nguyên chiếc sản xuất năm 2015, nhập khẩu từ Đức về Việt Nam của Công ty CP Ô tô Âu Châu (Euro Auto), với giá gần 2,4 tỷ đồng. Nhưng vị độc giả này cho biết, đơn giá nhập khẩu chiếc xe này của Euro Auto theo kê khai là chỉ hơn 670 triệu đồng…
Như vậy, giá bán chiếc xe tới tay khách hàng đã cao hơn tới 3,56 lần trị giá chiếc xe nhập khẩu. Một mức chênh cực cao mà người tiêu dùng Việt Nam phải trả để được sở hữu một chiếc xe nhập khẩu.
Cũng theo phản ánh của độc giả này cho biết: “Mặc dù theo Euro Auto cho biết, sau khi đóng đầy đủ các khoản thuế theo qui định, giá thành chiếc ô tô này là hơn 1,6 tỷ đồng, nhưng giá bán lại lên tới 2,4 tỷ đồng thì quả thực là siêu lợi nhuận và đó phải chăng việc được độc quyền phân phối nên họ có thể ngang nhiên thu lợi lớn được như vậy”.
Cũng chính vì nhìn thấy những điều bất cập trong qui định của thông tư 20, nên trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về những bất cập của Thông tư 20, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho rằng: Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (có ủy quyền và không có ủy quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh.
Đồng thời VCCI cũng đề nghị rằng: “Bãi bỏ Thông tư 20 là cách thức quan trọng để thị trường cạnh tranh lành mạnh, xoá bỏ độc quyền. Hiện thị trường nhập khẩu xe đang nằm trong tay các doanh nghiệp lớn và liên kết với nhau rất chặt chẽ. Bãi bỏ Thông tư 20 sẽ làm giảm nguy cơ hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh”.
Đã đến lúc cần phải có quyết định đối với “số phận” của thông tư 20, nhằm đảm bảo cho thị trường ô tô Việt Nam vận hành được công bằng, minh bạch và đặc biệt là tạo sự đồng thuận xã hội, để Chính phủ thu hút được mọi nguồn lực cùng chung sức, đồng lòng thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập mới./.