Hiện nay, trước sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội, nguồn thu của các cơ quan báo chí đang có chiều hướng sụt giảm sâu, trong khi đó nguồn thu từ quảng cáo giảm mà phải tăng đầu tư thiết bị hiện đại hơn trong thời buổi xã hội số, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp phải khó khăn về tài chính.
Mạng xã hội chiếm phần lớn thị phần quảng cáo
Theo Báo cáo về tình hình thị trường Digital 2024 - báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do We Are Social và Meltwater công bố, tại Việt Nam, năm 2023 có hơn 70 triệu người (chiếm 71% số dân) sử dụng mạng xã hội.
Xét trong thị trường thông tin của báo chí và truyền thông xã hội, cùng một cộng đồng công chúng, nếu như trước kia, báo chí có thị phần riêng của mình trong việc đưa tin đại chúng, thì nay sự độc quyền đã bị xóa bỏ.
Nhà báo và cơ quan báo chí không còn đi đầu trong cung cấp thông tin đại chúng mà nguồn cung cấp tin tức đa dạng.
Đối thủ đưa tin lớn nhất của báo chí hiện nay là truyền thông xã hội. Thông tin trên mạng xã hội được lan truyền nhanh chóng và có tính tương tác cao nhờ công nghệ truyền thông 4.0.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ quan báo chí, thậm chí đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay.
Đánh giá về thực tế tác động của các nền tảng mạng xã hội đối với báo chí truyền thống, Nhà báo Trần Ngọc Hà – Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhận xét: “Hiện nay, mạng xã hội lấy đi 5 thứ của báo chí. Đó là: Lấy đi tính thời sự; Lấy đi nguồn nhân lực; Lấy đi kinh tế báo chí; Lấy đi công chúng báo chí; Lấy đi niềm tin của công chúng vào báo chí.”
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài PTTH giảm 23% so với năm 2022.
Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày; có đài thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Thực tế, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo.
Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Nhà báo Trần Ngọc Hà cho rằng, trong bối cảnh phải cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội khác, việc có cơ chế chính sách ưu đãi cho cơ quan báo chí là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn để các cơ quan báo chí vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện công tác thông tin đời sống xã hội.
|
Nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay |
Cần có ưu đãi trên chính nguồn thu của cơ quan báo chí
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất mức thuế đối với các cơ quan báo chí là 15%, giảm 5% so với mức hiện hành.
Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như hiện nay. Các loại hình khác sẽ áp dụng thuế suất 15%.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí và các đại biểu Quốc hội cho rằng mức giảm này chưa phù hợp và cần giảm thêm, nhất là trong bối cảnh kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Bởi lẽ, trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam được Đảng và Nhà nước xem như phương tiện, vũ khí rất quan trọng trong tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp…
Báo chí còn mang sứ mệnh đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, phản động, chống phá Nhà nước; bảo vệ nền tư tưởng của Đảng.
Báo chí cũng góp phần đưa ra những mô hình hay, thông tin tích cực và góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Với những quan điểm như vậy, các ý kiến đều cho rằng nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Từ đó giúp báo chí có điều kiện đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn.
Với đề xuất tách 2 mức thuế với báo in là 10% và các loại hình khác là 15%, nhiều ý kiến cho rằng cũng không cần thiết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao.
Đại biểu Ngân nói: "Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa".
Đại biểu Ngân cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn.
Còn Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng báo chí không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp.
Việc chuyển đổi số được các cơ quan báo chí tiến hành thực hiện quyết liệt. Muốn chuyển đổi số cần đầu tư nguồn lực, con người, công nghệ rất lớn.
Do đó, nếu ưu đãi thuế 10% cũng không có nhiều ý nghĩa. Đã ưu đãi thì nên ưu đãi xứng tầm, thể hiện rõ chính sách quan tâm tới báo chí.
Đa số cơ quan báo chí ở Việt Nam lâu nay sử dụng mô hình kinh doanh duy nhất là đặt trọng tâm vào quảng cáo.
Đây là nguồn thu không ổn định, phụ thuộc “sức khỏe” của nền kinh tế và doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, đa số các cơ quan báo chí đều thực hiện chính sách tự chủ, tuy nhiên, trước sự cạnh tranh từ các nền tảng mạng xã hội, thì nguồn thu quảng cáo không thể nuôi được tờ báo.
Với mức đề xuất như hiện nay, thì theo nhiều ý kiến, vẫn chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn cho cơ quan báo chí và nhất là các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, có cơ chế hạch toán nhiều doanh nghiệp.
Nhiều quốc gia trên thế giới, thu nhập chịu thuế từ hoạt động báo chí thường được áp dụng mức thuế suất thấp hơn, thường chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 so với thuế suất tiêu chuẩn áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác.
Điều này thể hiện rõ ý chí của chính phủ các quốc gia trong việc ủng hộ và hỗ trợ hoạt động báo chí. Báo chí được xem là công cụ truyền thông, tuyên truyền và là tiếng nói thay mặt cho chính phủ và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh thông tin bùng nổ trên mạng xã hội và các nền tảng Internet như hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Do đó, việc nghiên cứu đều có một mức thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các cơ quan báo chí để các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn hiện nay và tiếp tục phát triển lớn mạnh là hết sức cần thiết. Bởi ở nước ta, báo chí không chỉ đơn thuần là kinh doanh vì lợi nhuận.