Mất sạch tài sản vì hỏa hoạn, các hộ kinh doanh lại phải xoay sở số tiền lớn trong thời gian rất ngắn, để đóng góp cho huyện xây chợ mới.
Ngày 1/3/2016, hàng chục hộ kinh doanh tại chợ trung tâm huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đồng loạt viết đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc về việc chính quyền huyện và Thị trấn gửi thông báo huy động góp vốn xây dựng chợ gần như kiểu bắt ép, gây xôn xao dư luận .
Chiều ngày 2/3/2016 phóng viên Pháp luật Plus đã có mặt tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) để nắm bắt tình hình cụ thể.
Khi chúng tôi tới nơi, quả nhiên cả khu chợ vẫn còn là bãi đất trống, các cổng ra vào cỏ đã mọc chùm phủ gần kín, chứng tỏ nhiều năm nay khu chợ này bị bỏ hoang trong tình trạng xây dựng dang dở.
Theo nội dung người dân trình bày, trước đây chợ đã đi vào hoạt động nhưng đến ngày 15/8/2007 thì bị cháy toàn bộ do chập điện.
Sau đó, UBND huyện Chiêm Hóa đã không thông qua các hộ kinh doanh, tự ý bán phần mặt bằng cho một công ty để xây dựng lại, rồi công ty này phá bỏ hợp đồng trả lại các ki ốt đang xây dở cho UBND huyện .
Từ những bê bối trên, các nạn nhân vụ cháy chợ đành phải họp chợ tạm, thực trạng này kéo dài ngót 10 năm qua mà chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng.
Chị Lê Thanh Hoa, chủ hộ kinh doanh tại chợ thị trấn Vĩnh Lộc, nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Sau 5 ngày kể từ cuộc họp dân ngày 24/2/2016 chúng em phải xoay đủ 45 triệu đồng để nộp nếu không thì hết quyền kinh doanh, trong khi đó cả cửa hàng trị giá không nổi 50 triệu, không có thì phải vay tiền ngân hàng mà nộp".
Phóng viên Pháp luật Plus liên lạc với ông Hà Kim Phúc Sỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, người trực tiếp ký các văn bản huy động góp vốn, ông này nói đang đi họp và đùn đẩy sang Phó chủ tịch huyện Chiêm Hóa.
Phóng viên tiếp tục gọi cho ông Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch huyện Chiêm Hóa để đặt lịch làm việc nhưng ông này cũng viện lý do đang đi họp và chưa biết hôm nào sẽ có thời gian để trao đổi với phóng viên.
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.