Thanh tra Sở GTVT đã lập hàng trăm biên bản vi phạm đối với Grab về việc không có giấy đăng ký kinh doanh.
TAND TP HCM tuyên buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng. Từ phán quyết đó, Grab chắc chắn khó chấp nhận và sẽ kháng cáo, nhưng sẽ có nhiều vấn đề đặt ra, phân tích về việc Grab hoạt động tại Việt Nam và hệ thống luật pháp không theo kịp sự “tinh quái” của họ khiến cho nền kinh tế chia sẽ là thách thức cho cơ quan quản lý, từ thuế, bảo hiểm, độc quyền…
|
Một phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab. |
Khung pháp lý chưa chặt chẽ?
HĐXX đưa ra quyết định này sau khi chỉ ra các sai phạm của Grab. Theo đó, Grab tự nhận là công ty công nghệ, không phải nhà cung cấp vận tải, chỉ cung cấp giao dịch ứng dụng điện tử, cung cấp công nghệ miễn phí cho khách hàng thông qua hợp đồng điện tử... đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Tuy nhiên, trên thực tế thì Grab quản lý lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab, hoặc trả trực tiếp cho tài xế. Grab còn vi phạm quy định pháp luật về khuyến mại, tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của Grab không đã tuân thủ quy định. Bởi lẽ, theo luật, việc kinh doanh vận tải bằng ôtô phải bảo đảm số lượng, chất lượng, nhân viên phục vụ, có hợp đồng lao động, nhân viên phải được tập huấn an toàn giao thông, không sử dụng lái xe trong thời kỳ bị cấm, có nơi đậu xe phù hợp với quy mô của DN; DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động... Grab không thực hiện quy định này, cũng như không nộp thuế.
Thanh tra Sở GTVT đã lập hàng trăm biên bản vi phạm đối với Grab về việc không có giấy đăng ký kinh doanh, danh sách hợp đồng vận chuyển, phù hiệu, niêm yết khẩu hiệu tính mạng con người là trên hết... Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản yêu cầu Grab dừng ngay dịch vụ kết nối đối với xe hợp đồng nhưng đơn vị này vẫn không chấp hành.
HĐXX cho rằng, từ khi Grab vào Việt Nam số lượng xe tăng vọt đã có nhiều ảnh hưởng đến thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, với số tiền mà Vinasun buộc Grab phải bồi thường là 41,2 tỷ đồng thì Tòa chỉ chấp nhận phần thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng do xe nằm bãi (giảm cuốc chạy do khách hàng chuyển sang sử dụng Grap).
Với Grab, HĐXX kiến nghị Bộ GTVT cần xem đây là DN kinh doanh vận tải để quản lý, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Grab vào Việt Nam đã cung cấp dịch vụ xe công nghệ thuận lợi cho người dân, cần khuyến khích để phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của các tài xế, khả năng thất thu thuế cao dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh... Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng cần làm việc với Grab để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Viện kiểm sát cho biết, thông qua vụ án này sẽ có báo cáo đề xuất với VKSNDTC kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách.
Cần sửa Đề án 24 phù hợp với thực tiễn Vinasun cho rằng theo Đề án 24 của Bộ GTVT thì Grab không có chức năng kinh doanh vận tải nhưng lại thực hiện hoạt động này nên gây thiệt hại cho Vinasun. Tại phiên Tòa nhiều căn cứ các chứng cứ cũng như lời khai nhân chứng, người liên quan thì Grab giao dịch với hành khách bằng phương thức kết nối phần mềm.
Hoạt động này chính là kinh doanh vận tải điện tử chứ không đơn thuần chỉ là cung ứng phần mềm kết nối. Giao dịch của Grab không phải là giao dịch theo Luật Giao dịch điện tử 2005.
Để kinh doanh vận tải bằng ô tô thì DN phải đảm bảo những điều kiện như niên hạn xe, đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, khấu trừ thuế thu nhập, nhân viên phải được tập huấn, tài xế phải đủ điều kiện hành nghề, có bộ phận pháp lý, đăng ký tiêu chuẩn dịch vụ theo quy định, phải có giấy phép kinh doanh ngành nghề vận tải, phải có phù hiệu xe hợp đồng, nếu là taxi thì phải có bảng hiệu TAXI, phải có khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”, phải có danh sách hành khách, thời gian đi đến, nơi đi nơi đến...
Tuy nhiên, Grab không đáp ứng các điều kiện này. HĐXX cho rằng Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải.
Theo Luật sư Trương Anh Tú thuộc Đoàn luật sư Hà Nội chia sẻ: “Quyết định 24 của Bộ GTVT về đề án thí điểm áp dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh vận tải hành khách, tôi thấy rằng nếu đọc vào các nội dung của đề án này thì rất hay, rất hợp lý, nhưng đọc xong cả đề án thì tôi thấy rất băn khoăn.
Cụ thể là xác định những đơn vị thí điểm, là đơn vị công nghệ hay đơn vị vận tải hành khách thì không giải quyết được trong đề án này. Và đó chính là căn nguyên của sự tranh chấp trong thời gian vừa qua”.