38/376 ủy viên Ban Chấp hành trung ương khóa 18 đã bị cho thôi chức vì cáo buộc tham nhũng và những sai phạm khác.
Khoảng 1,34 triệu quan chức Trung Quốc bị trừng phạt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng năm 2013.
Ưu tiên chính sách cốt lõi
Đó là nội dung báo cáo được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) công bố hôm 8-10, một ngày trước khi 120 thành viên CCDI nhóm họp phiên toàn thể cuối cùng của nhiệm kỳ. Hội nghị kéo dài 2 ngày này diễn ra không lâu trước khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 dự kiến khai mạc ngày 18-10. Theo tờ South China Morning Post, cuộc họp của CCDI dự kiến xem xét báo cáo công tác trước khi trình lên Đại hội 19 thông qua.
Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" - nhằm vào cả quan chức cấp cao và cấp thấp - được xem là một trong những chính sách cốt lõi trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này thể hiện rõ qua con số 648.000 đảng viên, cán bộ ở vùng nông thôn dính đến các vụ tham nhũng quy mô nhỏ, theo báo cáo nói trên. Bên cạnh đó, hơn 250 quan chức cao cấp, tính luôn cả lãnh đạo doanh nghiệp và tướng lĩnh quân sự, bị "ngã ngựa". Đài BBC chỉ ra một thống kê đáng chú ý: 38/376 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 18 đã bị cho thôi chức vì cáo buộc tham nhũng và những sai phạm khác.
Hồi tháng 8, ông Mạc Kiến Thành, người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng của Bộ Tài chính Trung Quốc, bị điều tra vì nghi tham nhũng. Đến tháng 9, theo Reuters, một quan chức quân sự cấp cao thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã bị bắt và thẩm vấn.
Danh sách "những con hổ" nổi bật bị đả còn có những cái tên nổi bật như cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, 2 cựu Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài, 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, 2 cựu phó chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) là Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh…
|
Từ trái qua: Tôn Chính Tài, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang Ảnh: SCMP |
Dấu ấn cải cách quân đội
Giới quan sát nhận định sau 5 năm, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn chưa chững lại, chỉ có điều các mục tiêu bị xem là "hổ" không còn nhiều nên thời gian tới sẽ tập trung "đập ruồi".
"Kể từ Đại hội 18, hầu hết quan chức cao cấp có sai phạm đều bị xử lý. Những quan chức còn tại vị hoặc đã vượt qua bài kiểm tra hoặc được thăng chức gần đây" - ông Zhuang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về liêm chính trong chính phủ thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, nhận định. Vì thế, trong 5 năm tới, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tập trung sang cấp địa phương, đồng nghĩa sẽ có thêm "nhiều con ruồi bị diệt".
Mặt khác, cũng có chuyên gia cho rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ chậm lại và trở thành một hình thức giám sát thường lệ.
"Thay vì tiến hành cuộc chiến mạnh mẽ như hiện nay, họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) sẽ muốn dựa nhiều vào những phương tiện, như nhóm kiểm tra trung ương và có thể là ủy ban giám sát quốc gia" - bà Zhu Jiangnan, chuyên gia tại Trường ĐH Hồng Kông, nhận định, có ý nhắc đến một cơ quan mới dự kiến kết hợp quyền lực của CCDI và những cơ quan chống tham nhũngtrực thuộc viện kiểm sát và chính phủ.
Ủy ban mới này sẽ giám sát không chỉ đảng viên mà còn tất cả cán bộ, công chức. Theo ông Zhuang, thách thức lớn của bước đi này là làm sao cân bằng lợi ích của những cơ quan khác nhau, cũng như thống nhất lối suy nghĩ của những nhóm đến từ những cơ quan này.
Bên cạnh chống tham nhũng, cải cách quân đội là một dấu ấn khác trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình. Đáng chú ý, theo đài BBC, nhà lãnh đạo này đã chuyển từ hệ thống lấy quân đội làm trung tâm sang "bộ chỉ huy chung kiểu phương Tây", như cách gọi của các nhà phân tích và đưa những tướng lĩnh trẻ vào các vị trí chỉ huy.
Hiện chưa rõ những cải cách trên có tác động ra sao nhưng thay đổi vẫn đang tiếp diễn. Khoảng 300 đại biểu đoàn quân đội sẽ tham dự Đại hội 19 sắp tới, 90% trong đó lần đầu có mặt tại sự kiện này.