Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, trước khi bị mất, nguồn phóng xạ Cs - 137 đã được giao cho Ngân hàng BIDV Bắc Kạn quản lý.
Như Pháp luật Plus đã thông tin, nguồn phóng xạ tại Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn (DATC) có địa chỉ tại Suối Viền, phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn đã bị mất gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.
Nguồn phóng xạ này là loại Cs - 137, số seri Cs7 - 23DT theo giấy phép số 270/GP – ATBXHN ngày 12/8/2010, có giá trị đến hết ngày 31/8/2013.
Do làm ăn thua lỗ, Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn đã bị chi cục Thi hành án dân sự Thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) ra quyết định thi hành án, kê biên tài sản, giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bắc Kạn quản lí.
|
Theo sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn, trước khi bị mất, nguồn phóng xạ Cs - 137 đã được giao cho ngân hàng BIDV Bắc Kạn quản lý. |
Theo lãnh đạo Ngân hàng BIDV Bắc Kạn, trong danh mục thống kê tài sản mà ngân hàng tiếp nhận từ công ty xi măng hoàn toàn không có nguồn phóng xạ. Hơn nữa, nguồn phóng xạ là tài sản không được phép giao dịch, lưu hành trên thị trường.
Liên quan đến sự việc, sáng ngày 8/1, trao đổi với PV Pháp luật Plus, ông Nguyễn Hà An, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV, chi nhánh Bắc Kạn cho biết, hiện phía ngân hàng đang phối hợp với các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc.
Theo ông An, trước đó Công ty xi măng Bắc Kạn có vay mượn một số tiền từ Ngân hàng BIDV Bắc Kạn vào khoảng vài tỷ đồng.
Sau này, do làm ăn thua lỗ Ngân hàng BIDV Bắc Kạn phong tỏa để thi hành án, thu hồi tài sản thế chấp và làm thủ tục qua Chi cục Thi hành án theo quy định pháp luật.
|
Nhà máy xi măng Bắc Kạn, nơi xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ Cs - 137. |
“Tuy nhiên, thiết bị chứa nguồn phóng xạ đã không được công ty xi măng bàn giao lại cho ngân hàng. Trong danh mục bảng thống kê mà chúng tôi tiếp nhận hoàn toàn không có thiết bị chứa nguồn phóng xạ.”
Giám đốc Ngân hàng BIDV Bắc Kạn cho biết sau khi sau khi nhận bàn giao tài sản từ Công ty xi măng Bắc Kạn, ngân hàng đã thuê một người để bảo vệ trông coi ở đó.
"Chúng tôi thuê người bảo vệ là để bảo vệ cho tài sản của chúng tôi, chất phóng xạ làm sao giao dịch được trên thị trường. Hơn nữa lại không nằm trong danh mục bàn giao cho chúng tôi", một lãnh đạo Ngân hàng BIDV Bắc Kạn cho biết thêm.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với Pháp luật Plus, ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sau khi xác định nguồn phóng xạ nằm trong nhà máy xi măng không ai quản lý, ngày 15/5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã mời Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Kạn, Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và phát triển và ông Đinh Văn Bằng, nguyên Giám đốc Công ty Xi măng Bắc Kạn đi kiểm tra nguồn phóng xạ lưu kho.
Do ông Bằng vắng mặt, các bên có mặt đã lập biên bản đề nghị Ngân hàng BIDV quản lí, bảo vệ nguồn được lưu trữ trong kho, dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ và ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm.
|
Hình ảnh nguồn phóng xạ bị mất tại nhà máy xi măng Bắc Kạn. |
Lý giải về việc tại sao lại bàn giao nguồn phóng xạ cho ngân hàng BIDV Bắc Kạn quản lí mặc dù không thuộc chuyên môn, ông Thế cho biết: Lúc đó không còn cơ quan nào đứng ra quản lí nữa, trong khi ngân hàng thì phong tỏa tài sản và Công ty xi măng Bắc Kạn bất hợp tác, buộc phải bàn giao cho Ngân hàng BIDV Bắc Kạn.
Ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng, thời điểm Công ty xi măng bàn giao tài sản, Ngân hàng BIDV Bắc Kạn không biết trong nhà máy có nguồn phóng xạ.
“Thông tin từ lãnh đạo ngân hàng, sau khi lập biên bản làm việc ngày 15/5/2015, cán bộ ngân hàng có biết có nguồn phóng xạ trong nhà máy xi măng nhưng không báo cáo với lãnh đạo ngân hàng.
Về sau, qua biên bản làm việc lãnh đạo ngân hàng mới biết sự việc nguồn phóng xạ nằm trong kho của mình. Tuy nhiên, do không thuộc tài sản của mình nên phía ngân hàng không chủ động được cách xử lí. Chúng tôi đã liên hệ với ông Đinh Văn Bằng, nguyên Giám đốc Công ty xi măng, ông Bằng lại không hợp tác”, phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Sau quá trình làm việc, xác minh quyền sở hữu về nguồn phóng xạ CS – 137 của Công ty xi măng Bắc Kạn, sở Khoa học và Công nghệ đã ra văn bản đề nghị Công ty xi măng do ông Đinh Văn Bằng, quyền Giám đốc làm thủ tục di chuyển đến khu lưu trữ an toàn. Đồng thời, gửi văn bản này cho Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân chỉ đạo, hướng dẫn việc vận chuyển nguồn phóng xạ để lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 25/11/2015, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu công ty làm thủ tục di chuyển nguồn phóng xạ Cs - 137 về nơi bảo quản an toàn trước ngày 15/12/2015.
|
Hiện nhà máy xi măng Bắc Kạn đã tạm dừng hoạt động. |
Khoảng 8h30 ngày 15/12/2015, ông Đinh Văn Bằng đã gọi điện thoại cho sở Khoa học và Công nghệ thông báo nguồn Cs - 137 của Công ty đã bị mất cắp.
Ngay sau đó, sở Khoa học và Công nghệ đã cử cán bộ xuống hiện tường kiểm tra, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân về sự cố trên.
UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã chỉ đạo sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh Bắc Kạn, phối hợp với Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất.
Liên quan đến việc tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất, lãnh đạo sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cho biết, sở vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm, nhưng khó xác định được thời gian tìm thấy.