Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng ngày 20/10/2021. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11. Theo nội dung chương trình, trong 2 đợt của kỳ họp (đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20-30/10 và đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày từ ngày 08-13/11), Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật.
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ. Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Theo kế hoạch, đợt họp thứ nhất diễn ra từ ngày 20/10 đến 30/10/2021 theo hình thức họp trực tuyến. Sau 11 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, đợt họp thứ nhất của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Để hiểu hơn những thông tin chi tiết về kết quả họp trực tuyến đợt 1, Kỳ họp thứ 2, Truyền hình Quốc hội Việt Nam trân trọng giới thiệu những đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trong Chương trình truyền hình “Đối thoại chính sách”.
Phóng viên: Để chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội diễn ra an toàn, hiệu quả, vai trò của Tổng Thư ký Quốc hội đặc biệt quan trọng. Cho đến nay, khối lượng công việc của ông vẫn còn rất bộn bề. Tổng Thư ký có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi kết thúc đợt họp thứ nhất?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tôi và các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quốc hội rất vui mừng khi đợt họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã diễn ra suôn sẻ, thành công tốt đẹp từ nội dung, chương trình cho đến các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đúng như kỳ vọng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra.
Phóng viên: Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đợt 1 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội lkhoá XV diễn ra theo hình thức trực tuyến. Với kịch bản triển khai kỳ họp được tính toán kỹ lưỡng về phương án, thời gian, được chuẩn bị công phu về nội dung, đợt 1 của Kỳ họp đã diễn ra tốt đẹp, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri về nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới, năng động, sáng tạo. Tổng Thư ký Quốc hội có thể chia sẻ với cử tri cả nước về những thành công cơ bản của đợt họp này?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Như chúng ta đã biết, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước cơ bản trở lại trạng thái “bình thường mới” sau hơn 4 tháng phải căng mình chống dịch. Kỳ vọng về các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, trở lại nhịp sống bình thường là điều được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. Sau 11 ngày làm việc trách nhiệm, trí tuệ, với tinh thần tích cực, khẩn trương, làm việc kể cả Thứ Bảy, Chủ nhật, đợt họp trực tuyến đầu tiên của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 15 đã kết thúc tốt đẹp. Các phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, an ninh, an toàn kỳ họp được đảm bảo. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, kỷ cương lập pháp có nhiều tiến bộ, tài liệu gửi đến Quốc hội sớm hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng đa dạng, các cơ quan của Quốc hội có nhiều thời gian hơn để thẩm tra. Do đó, các báo cáo thẩm tra rất chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề cần thảo luận, các báo cáo trình bày trước Quốc hội đều bảo đảm ngắn gọn, xúc tích. Chương trình kỳ họp sắp xếp khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa thời gian. Nhiều đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung, phát biểu sâu sắc tâm huyết, trách nhiệm. Công tác điều hành của của Đoàn Chủ tịch linh hoạt, ngắn gọn, xúc tích. Nổi bật tại kỳ họp lần này là công tác tổng hợp ghi biên bản ý kiến đại biểu Quốc hội có nhiều đổi mới. Sau mỗi phiên thảo luận tại tổ hoặc hội trường đều có báo cáo tổng hợp phát biểu của Đại biểu, cơ quan soạn thảo có báo cáo sơ bộ giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, hạn chế được ý kiến phát biểu ở hội trường.
Thứ hai, kỳ họp được tiến hành theo đúng chương trình đã đề ra. Theo đó, tại đợt 1, Quốc hội đã tiến hành phiên khai mạc, nghe trình, thảo luận ở Tổ và trực tuyến tại hội trường về 7 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, công tác tư pháp; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13. Không khí thảo luận trực tuyến tại Tổ và Hội trường sôi nổi, ý kiến toàn diện, sâu sắc nhiều chiều. Tại các Tổ ở địa phương, việc mời cơ quan chuyên môn tham dự phiên thảo luận, góp ý kiến đối với các nội dung của kỳ họp đã tạo điều kiện lấy thêm ý kiến góp ý từ phía cử tri, đối tượng thụ hưởng chính sách góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết, tăng cường tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Thứ ba, công tác thông tin tuyên truyền cũng được triển khai bài bản, chặt chẽ, góp phần tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về những vấn đề được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp cũng như cách thức tổ chức kỳ họp; về đổi mới, cải tiến trong việc tổ chức kỳ họp, nhấn mạnh tiếp tục rút ngắn thời gian làm việc tại kỳ họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất của kỳ họp; mục tiêu, ý nghĩa của kỳ họp; kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp,... Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã dành nhiều thời lượng và vị trí trang trọng để đăng tải tin, bài, hình ảnh nhằm phản ánh toàn diện, đậm nét và sâu rộng về chương trình nghị sự kỳ họp. Vụ Thông tin, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh và Đài Phát thanh truyền hình các tỉnh bảo đảm triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, toàn diện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu bảo đảm đúng định hướng về kỳ họp.
Thứ tư, công tác an toàn, an ninh, đặc biệt là an ninh mạng, công tác phòng chống dịch COVID-19, trang trí khánh tiết được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, đầy đủ, đúng quy định. Riêng về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai xét nghiệm định kỳ mỗi đợt 72 tiếng cho các đại biểu Quốc hội, các phóng viên, cán bộ nhân viên khối phục vụ,… Hệ thống kỹ thuật phục vụ kỳ họp hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu trực tuyến; các phần mềm ứng dụng cũng rất thuận tiện giúp đại biểu trong việc tra cứu tài liệu.
Có thể khẳng định rằng, thành công của đợt họp trực tuyến đầu tiên của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 15 là minh chứng cho việc Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã bắt tay ngay vào việc từ sớm, từ xa để chuẩn bị đảm bảo tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, đạt kết quả cao nhất, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, nhân dân.
Phóng viên: Trong số các dự án Luật được Quốc hội đưa ra xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 này, theo Tổng Thư ký Quốc hội, dự Luật nào được các đại biểu quan tâm và tham gia góp ý nhiều nhất?
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Theo nội dung chương trình, trong 2 đợt của kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật (theo quy trình tại một kỳ họp), gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo ghi nhận của các đại biểu Quốc hội, hồ sơ các dự án Luật trình tại Kỳ họp này đều đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo yêu cầu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và xem xét, thông qua. Đây là các dự án Luật nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến, trong đó, dự án Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất là Dự án Luật Kinh Doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật còn nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa nhằm xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với cam kết quốc tế có liên quan; tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và các luật khác có liên quan.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật tạo cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua đổi mới cung cấp dịch vụ, phương thức kinh doanh và phương thức quản lý Nhà nước; công khai, minh bạch, tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt coi trọng chất lượng và sự an toàn của thị trường; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để hình thành một hệ thống thị trường bảo hiểm đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước.
Tiếp theo 246 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại 72 tổ, tại phiên thảo luận trực tuyến tại hội trường (ngày 29/10/2021), đã có 30 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; bảo hiểm vi mô; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;...
Phóng viên: Trong số các dự thảo Nghị quyết được Quốc hội bàn thảo, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Thanh Hóa nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như của nhân dân, cử tri của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tổng Thư ký Quốc hội có thể cho biết mục đích, sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết đặc thù này là gì? Và nếu thành công, chúng ta có mở rộng chính sách này không, thưa ông?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Đúng là phiên thảo luận về các Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Thanh Hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu với nhiều ý kiến phát biểu thảo luận. Tiếp theo 269 lượt ý kiến phát biểu tại 72 tổ (22/10/2021), tại phiên thảo luận trực tuyến tại hội trường (27/10/2021), đã có 31 đại biểu đã phát biểu, có 2 đại biểu tranh luận với nhiều ý kiến sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế, tạo thêm nguồn lực cũng như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư tạo ra những cực tăng trưởng mới, tạo động lực, tạo sự lan tỏa, sự phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm và dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.
Theo tôi, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Kết quả thí điểm hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá để đưa thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước và trên cơ sở đó sẽ tiếp tục pháp điển hóa tại các văn bản pháp luật cao hơn.
Phóng viên: Một trong những đề án được các đại biểu, cử tri quan tâm, đánh giá cao là các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021 trong bối cảnh nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19; Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến sôi nổi nhất tại hội trường và tại Tổ của Quốc hội. Theo Tổng Thư ký, những khía cạnh nào được các đại biểu quan tâm nhiều nhất? Đại dịch COVID-19 liệu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không? Việc lùi thời hạn tăng lương cho công chức có phải do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Như chúng ta đã thấy, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ đã khiến nước ta hao tổn rất nhiều nhân lực, vật lực. Nhiều tháng liền, hàng chục tỉnh phải thực hiện giãn cách, phong tỏa, hoạt động sản xuất ngừng trệ. Việc quan tâm đến công tác phòng chống dịch covid; khôi phục, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch; an sinh xã hội không phải tới bây giờ Quốc hội mới quan tâm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã vào cuộc quyết liệt, bàn thảo, ban hành nhiều Nghị quyết đặc biệt nhằm tạo điều kiện cùng chính phủ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch covid; khôi phục, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch; an sinh xã hội. Chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực cho phòng chống dịch covid, an sinh xã hội, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Trong đợt 1 của kỳ họp, đúng là Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 được các đại biểu Quốc hội quan tâm bàn thảo sôi nổi nhất. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của Quốc hội, Quốc hội đã có những quyết sách chưa từng có ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt là Nghị quyết 30 của Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ được quyền chủ động, linh hoạt trong việc ban hành một số quy định khác với quy định của luật hiện hành nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19, ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Ngay trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021; nhiều dịch vụ hàng hóa của các doanh nghiệp được giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021; miễn tiền chậm nộp thuế với một số đối tượng doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020.
Các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến chiến lược phòng chống dịch bệnh và chương trình phục hồi kinh tế; nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn hiệu quả, chiến lược vacxin toàn dân.
Thực tế, đại dịch covid 19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, đến an sinh xã hội, đóng góp ý kiến vào: Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến cũng bầy tỏ sự lo ngại đại dịch covid ảnh hưởng tới một số mục tiêu trong Kế hoạch. Đây là điều rất có khả năng xẩy ra, đòi hỏi chúng ta phải lường trước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nỗ lực tìm mọi giải pháp, ứng phó trong từng điều kiện tình hình thực tế để đạt được mục tiêu kép, đảm bảo phòng chống tốt dịch bệnh và khôi phục, ổn định sản xuất.
Việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là cần thiết. Về việc lùi thời điểm cải cách tiền lương cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội nói chung và các đại biểu Quốc hội. Như chúng ta đã biết có hai lý do về lùi thời điểm cải cách tiền lương:
Một là, theo chủ trương chung, các địa phương vượt thu sẽ để lại 50% đầu tư, còn 50% để tăng lương. Số tiền để lại gần đủ để cải cách một bước tiền lương. Tuy nhiên, vừa qua dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nên chúng ta nên phải sử dụng một số quỹ, trong đó có quỹ vượt thu để sử dụng cho công tác phòng chống dịch bệnh covid 19, khám chữa bệnh, mua vật tư ở các địa phương.
Hai là, hiện nay, đời sống người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch rất khó khăn, nhiều người mất việc làm, mất nguồn thu. Công cuộc phòng chống dịch còn phải kéo dài nên cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cho an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi COVID-19. Do đó, Chính phủ đã đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét lùi thời hạn tăng lương đợt này. Đây cũng là nội dung nhận được sự đồng thuận của đông đảo đại biểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc lùi thời điểm tăng lương là cần thiết, song không thể kéo dài mãi, hiện chưa tăng lương được cho đội ngũ cán bộ, công chức, cũng cần có các chính sách hỗ trợ, hoặc nâng lương phù hợp cho những người về hưu trước năm 1995.
Phóng viên: Có thể thấy một Quốc hội năng động, sáng tạo và quyết liệt thông qua những chuỗi hoạt động dày đặc trong thời gian vừa qua. Chủ trương đổi mới hoạt động của Quốc hội, đổi mới hoạt động của kỳ họp Quốc hội đã được áp dụng thực hiện ngay từ những kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ. Sau thành công của đợt họp đầu tiên, Quốc hội sẽ có 1 tuần để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết. Được biết, trong đợt họp thứ hai diễn ra từ ngày 08/11 đến 13/11 sẽ có các hoạt động thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua các dự án Luật sửa đổi, các dự thảo Nghị quyết. Thưa Tổng Thư ký, việc lựa chọn các nội dung, vấn đề đưa vào chất vấn, và các đơn vị tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp này được thực hiện như thế nào?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Một trong những hoạt động thể hiện tính công khai của kỳ họp Quốc hội chính là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tính chất công khai này được thể hiện cả về nội dung và hình thức: tất cả các vấn đề trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn, những vấn đề mà cử tri quan tâm, thậm chí là bức xúc đều là nội dung chất vấn bằng hình thức đối thoại, tranh luận, giải trình công khai và toàn bộ hoạt động chất vấn đều được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Chính vì lẽ đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã và đang trở thành điểm nhấn quan trọng của các kỳ họp Quốc hội, là sự mong đợi của cử tri, nhân dân và của chính các đại biểu Quốc hội tại mỗi kỳ họp.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 2, phiên họp chất vấn được tổ chức vào đợt 2 (họp tập trung tại Nhà Quốc hội), thời gian là 2,5 ngày (từ ngày 10/11 đến hết sáng ngày 12/11/2021), được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 04 thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời.
Về cách thức đặt câu hỏi chất vấn: Tiếp tục kế thừa cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã được thực hiện tại các kỳ chất vấn trước, tại kỳ họp này mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 01 phút; người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 03 phút/01 chất vấn, trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 02 phút. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Về cách thức trả lời chất vấn: Người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.
Về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn: Trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 qua Báo cáo của Ban Dân nguyện; những vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, có 04 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế, lao động thương binh xã hội, kế hoạch đầu tư và giáo dục đào tạo, cùng với đó là 04 Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực trên sẽ trả lời chất vấn và Thủ tướng Chính phủ sẽ dành thời gian trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký, một trong những điểm đổi mới đặc biệt của Quốc hội thời gian qua chính là đổi mới trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các Phiên họp Thường vụ. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội sẵn sàng xin ý kiến Bộ Chính trị tổ chức thêm 1 kỳ họp Quốc hội thứ ba vào cuối năm nay để quyết định một số dự án trọng điểm Quốc gia với điều kiện các Đề án này phải được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phải được các cơ quan chức năng của Quốc hội thẩm tra, khảo sát đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, cử tri, các đại biểu Quốc hội. Xin Tổng Thư ký cho biết cụ thể hơn về kế hoạch triển khai và dự kiến những nội dung nào sẽ được đưa vào kỳ họp này?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Quyết sách các vấn đề quan trọng của đất nước là một trong số các chức năng chính của Quốc hội. Theo Luật Tổ chức Quốc hội thì các vấn đề này sẽ được quyết định tại các kỳ họp Quốc hội trong năm. Theo thường lệ mỗi năm Quốc hội sẽ họp 2 kỳ vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 và khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật là việc quan trọng, cần thiết phải thực hiện. Quốc hội kiên quyết không đưa vào kỳ họp những dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, chuẩn bị chưa đầy đủ về hồ sơ, chưa được thẩm tra, khảo sát thực tế, chưa được tiếp thu cẩn thận.
Trong kỳ họp Thường vụ lần thứ ba, thứ tư, có một số nội dung dự án, chương trình được các cơ quan, đơn vị trình Quốc hội đưa vào kỳ họp, trong đó có một số vấn đề quan trọng của đất nước tuy nhiên đến thời hạn cuối cùng, các đơn vị chưa chuẩn bị kịp hồ sơ, chưa được thẩm định, khảo sát nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không đưa vào nội dung kỳ họp lần này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ tổ chức thêm 1 kỳ họp Quốc hội nữa vào cuối năm để quyết định các nội dung cấp bách, quan trọng, nếu Chỉnh phủ chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, các cơ quan chức năng của Quốc hội thẩm tra, khảo sát đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Có thể nói, đây là một trong những điểm mới của Quốc hội trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này. Đây cũng là nội dung chưa từng có diễn ra trong hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình và Quốc hội đồng ý thì chúng ta có cơ sở pháp lý để thực hiện nội dung này.
Chúng ta có thể tiếp thu có chọn lọc những cách thức tổ chức kỳ họp của Nghị viện các nước trên thế giới đã thực hiện. Việc tổ chức những kỳ họp bất thường, không như dự kiến nhằm kịp thời giải quyết được những vấn đề phát sinh, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội để có những quyết sách hợp lòng dân. Bởi có những việc nếu chúng ta để lại thì sẽ chậm và sẽ trì hoãn sự phát triển. Tinh thần đổi mới kỳ họp là Quốc hội phải thể chế hóa được các chủ trương, chính sách nhưng phải kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội!
Thu Quỳnh - Bích Lan - Minh Thành - Theo Công thông tin điện tử Quốc hội