Sáng 6/2, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Giang về kết quả thực hiện các Nghị quyết Đại hội của Đảng.
Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng; Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH T.Ư Đảng, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc… Và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
 |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: BHG). |
Báo cáo khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh khẳng định: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động; trong đó, trên 30 nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực, điển hình như các nghị quyết về: Phát triển giáo dục và đào tạo; xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; xây dựng Công an tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…
Thực hiện Kết luận số 09 ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo T.Ư về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành T.Ư, BCH, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện theo đúng định hướng của T.Ư, đảm bảo thời gian, tiến độ sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện.
 |
Thường trực Tỉnh ủy tặng tranh điêu khắc cho Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: BHG). |
Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, các cấp ủy đã quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã hoàn thiện lần 5 xin ý kiến đại hội các chi bộ, đảng bộ cơ sở; 100% đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã hoàn thành xây dựng báo cáo chính trị; tổ chức thành công Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với kết nạp đảng viên mới được chú trọng. Kết nạp thêm được trên 10.200 đảng viên; cử 148 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số đi đào tạo nguồn cán bộ cấp tỉnh.
Về kinh tế - xã hội, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân (GRDP) giai đoạn 2020 – 2024 đạt 5,32% (trong đó năm 2024 đạt 6.05%). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng, tăng 9,5% so với năm 2020.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.600 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp đồng bộ; các tuyến quốc lộ trên địa bàn được mở rộng quy mô từ 1 làn xe lên 2 làn xe; gần 1.400km đường trục xã, trục thôn và nội đồng được cứng hóa; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% số thôn có đường xe cơ giới đến trung tâm; Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang được triển khai thực hiện. Có 96,1% thôn, 94,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Tại tỉnh Hà Giang, công tác Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện: Hoàn thành 71/83 nhiệm vụ, 37/44 mô hình thực hiện Đề án số 06; chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân đạt 5,6%/năm, với gần 46.200 hộ thoát nghèo, trong đó trên 44.500 hộ dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2020 - 2024, xóa được 19.553 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ.
Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng: 100% các huyện có trường THPT Dân tộc nội trú; thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang; toàn tỉnh có 10,17 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,25%...
Về du lịch, năm 2024 đón gần 3,3 triệu lượt khách, dự kiến năm 2025 đón trên 3,5 triệu lượt khách, tăng trên 33% so với nhiệm kỳ trước. Hà Giang được nhiều tổ chức uy tín trên thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới…
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là những kiến nghị rất xác đáng, rất cần thiết và nên tiến hành sớm nhất có thể. Tổng Bí thư cho rằng: Việc di chuyển trung tâm thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần ra khỏi vùng sạt trượt là cần thiết. Tỉnh Hà Giang cần làm báo cáo chi tiết, có ý kiến của các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ và xin phương án thực hiện.
 |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà người có công. (Ảnh: BHG). |
Về việc rà phá bom mìn, vật nổ để làm sạch trên 76.000 ha đất, kết hợp tim kiếm, quy tập hơn 1.000 hài cốt liệt sỹ, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ cấp đủ kinh phí 600 tỷ và đề nghị Bộ quốc phòng tập trung lực lượng thực hiện trong năm 2025. Các giai đoạn sau cũng cần làm khẩn trương hơn, không để muộn hơn năm 2030.
Về Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Tổng Bí thư ủng hộ phương án 4 làn đường cho toàn tuyến cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 theo đề nghị của tỉnh Hà Giang. Đồng thời, giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với từng vấn đề cụ thể trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành với tỉnh Hà Giang.
Tổng Bí thư đồng tình việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh thủy, bởi “nút thắt” lớn nhất đối với Hà Giang là hệ thống đường giao thông còn nhiều khó khăn, nhất là giao thông để kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế với thị trường lớn Trung Quốc.
Do đó, việc thực hiện xây dựng đường cao tốc là việc rất cấp bách với Hà Giang, là “lối thoát”, lối ra cho nền kinh tế, nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu và du lịch của tỉnh Hà Giang. Dự án này là đột phá, là chiến lược phải làm sớm, nghiên cứu phân kỳ, phân cấp cho hợp lý.