Một vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép qua biên giới Campuchia đã được Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử, hé lộ đường dây vượt biên nhằm trục lợi bất chính. Hai bị cáo bị phạt 3 năm 6 tháng tù giam.
 |
Bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý tại Tòa tỉnh Kiên Giang. |
Đường dây vượt biên bị phát hiện
Cuối năm 2022, Nguyễn Văn Phán (ngụ TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) nhận lời của Phạm Phương Nam – một người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia để tổ chức đưa 4 người vượt biên trái phép.
Phán liên hệ với một người Campuchia tên Lì (không rõ lai lịch) để đón nhóm người này tại một khách sạn thuộc phường Bình San, TP. Hà Tiên.
Sau đó, Phán chở nhóm người đến khu vực gần trạm xăng tại phường Mỹ Đức để bàn giao cho Thị Ny (ngụ cùng phường) và một đối tượng khác tên Tu (hiện chưa xác định được nhân thân).
Nhóm người này được đưa về nhà Thị Ny trước khi đối tượng hướng dẫn đi bộ sang Campuchia qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, khi 2 người cuối cùng trong nhóm đang tiếp cận cột mốc biên giới số 312 thì bị lực lượng Đồn Biên phòng Hà Tiên phát hiện, bắt giữ.
Không dừng lại ở đó, quá trình điều tra cho thấy, trước đó vào ngày 22/11/2022, Phán từng nhận lời từ Nam để đưa trót lọt 2 người đàn ông (không rõ lai lịch) sang Campuchia với thù lao 14 triệu đồng.
Tổng cộng, Phán đã hai lần tổ chức cho 6 người xuất cảnh trái phép và thu lợi bất chính 10 triệu đồng. Trong khi đó, Ny tổ chức một lần cho 4 người, nhưng chưa kịp nhận tiền thì bị bắt giữ.
Bản án nghiêm khắc, tính nhân văn trong xét xử
Tại phiên tòa sơ thẩm, cả hai bị cáo đều thành khẩn khai báo, bày tỏ ăn năn hối cải. Phán thuộc hộ nghèo, chưa có tiền án, tiền sự, được hưởng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” do chủ động khai báo hành vi vi phạm mà cơ quan điều tra chưa phát hiện.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý xuất nhập cảnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh biên giới và quan hệ ngoại giao với nước bạn Campuchia.
Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Phán 2 năm 6 tháng tù giam; bị cáo Thị Ny 1 năm tù giam. Ngoài ra, Phán bị buộc nộp lại toàn bộ khoản tiền thu lợi bất chính (10 triệu đồng), trong đó đã tự nguyện khắc phục 6 triệu đồng trước khi xét xử.
Trợ giúp pháp lý – điểm tựa cho người yếu thế
Do thuộc hộ nghèo, bị cáo Phán được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang cử trợ giúp viên pháp lý bào chữa miễn phí. Người bào chữa đã đồng hành xuyên suốt quá trình tố tụng, giúp bị cáo hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, bảo đảm nguyên tắc xét xử công bằng, nhân đạo, thể hiện tính nhân văn của pháp luật đối với người yếu thế.
Vụ án là hồi chuông cảnh báo cho những ai vì cái lợi trước mắt mà bất chấp pháp luật, tiếp tay cho hoạt động vượt biên trái phép. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, mà còn đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội và mối quan hệ đối ngoại.
Để ngăn chặn các hành vi tương tự, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực giáp biên.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu vực biên giới.