Tù và là một loại nhạc cụ được làm từ sừng trâu, sừng bò, ngà voi hoặc các loại vỏ ốc, theo đó người thổi sẽ dùng hơi thổi vào phần đáy của sừng trâu hay vỏ ốc, âm thanh được cộng hưởng và phát ra từ miệng tù và và vang xa. Trước đây tù và được dùng trong chiến tranh để đốc thúc tinh thần quân sĩ bởi tiếng kêu ù ù đinh tai nhức óc của nó và uy hiếp tin thần của đối phương. Ngày nay Tù và, còn là nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc.
Ở Việt Nam, Tù và là dụng cụ để báo hiệu những công việc được giao ước cụ thể như: Họp hành, báo cháy, những đối tượng vào chặt phắ nương rẫy của bà con... ở những vùng làng quê, vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng nói, mỗi dân tộc khác nhau đều có cách chế tạo và sử dụng Tù và khác nhau. Trong bài này, PV Pháp luật Plus sẽ giới thiệu những nét độc đáo về tù và của người M’Nông tại tỉnh Đắk Nông.
|
Nghệ nhân Y Dung đang thổi Tù và nhân dịp đầu năm mới |
Nghệ nhân Y Dung, Bon Bu Bah, xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông năm nay đã bước sang tuổi 72. Thế nhưng mỗi khi cầm tù và trên tay, nghệ nhân lại thấy mình như trẻ lại và tiếng tù và lại được cất lên vang khắp núi rừng.
“Người M’Nông mình có nhiều cái tù và. Tù và Nung Bum Bu, Nung Y Ơn, rồi là U H’Lét, U H’Vuốt, rồi U Hen hôm, U B’ló, Kring Vuốt. Khi mà dân làng vui ngày mùa đầu tiên thì thổi tù và lớn, sau khi tù và lớn thổi thì cái kèn bầu mới thổi, chỉ một bầu, một ống, sau đó là thổi cái kèn H’Vuốt… (hát), đến cái còi lửa thổi bằng miệng (hát). Vấn đề nữa là cái tù và nhỏ là cuối cùng khi mà hát mừng lúa mới thu hoạch”. - Nghệ nhân Y Dung cho biết thêm.
Theo nghệ nhân Y Dung, tiếng tù và được cất lên mỗi khi trong làng có lễ hội và nó mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân địa phương: “Tiếng tù và mang lại ý nghĩa nhiều đối với người dân tộc người M’Nông trong dịp cuối năm, đầu năm hay ngày lễ lớn mới thổi được. Còn ngoài ra không thổi được. Trừ trường hợp khi mình ở ngoài rẫy mình dùng để đuổi chim, đuổi heo rừng, đuổi voi rừng thì nó khác. Qua tiếng tù và lớn hay nhỏ bằng 6 nhịp của tù và thì dân làng trong bon hoặc trong xã ai nghe được cũng biết là trong làng đó tổ chức một lễ hội lớn để mội người cùng đến dự”.
|
Một tiết mục biểu diễn thổi Tù và tại lễ hội Thổ cẩm tỉnh Đắk Nông tháng 1 năm 2019 |
Cũng giống như hầu hết các dân tộc khác trong cả nước tù và của người M’Nông cũng được làm bằng sừng trâu. Nhưng sự khác biệt lớn là về cách làm và cách thổi: “Người Ê Đê, người J’rai hay bất kỳ dân tộc nào khác trong 54 dân tộc thì thổi tù và dọc, còn người M’Nông thì thổi ngang. Tiếng tù và của mỗi dân tộc mỗi khác. Người M’Nông cũng làm tù và bằng sừng trâu nhưng mà làm ngang, đục lỗ ở giữa, để lưỡi gà ở giữa rồi lấy cái tóc của mình buộc với lại một tấm nhựa mình bít hai bên hoặc là không có tấm nhựa thì dùng mỡ bò bít hai bên rồi hơ lửa cho nó dính để nó khỏi hở mới thổi được. Người M’Nông để lỗ ở giữa thì người thổi phải có cái hơi nặng, phải thổi ra, hít vào phải nặng hơn thì nó mới kêu được, còn nhẹ hơn thì nó không kêu”.
Tiếng Tù và ngoài chào mừng năm mới, báo hiệu mùa lúa mới còn là tiếng giao duyên kết đôi của trai gái nơi đây. Trong tiếng thì thầm của mủa Xuân về anh Y Thịnh Bon Jok Du và chị H’Thel cùng nhau thổi một khúc nhạc giao duyên, anh Y Thịnh cho biết: “Thời hiện đại nhiều loại nhạc trẻ vừa vui, vừa hay và náo nhiệt đang được sử dụng đa số ở buôn làng, nhưng chúng tôi vẫn thổi Tù và khi mùa Xuân về và thổi giao duyên với người mình yêu”.
|
Tiếng Tù và giao duyên của anh Y Thịnh và chị H'Thel trong mùa Xuân mới |
Không chỉ khác nhau về cách làm tù và, mà nó còn khác nhau trong mỗi nhịp tù và của mỗi dân tộc. Theo nghệ nhân Y Dung, tiếng tù và của người Ê Đê, người J’rai, Ba Na hoặc là các dân tộc khác là cái điệu nhịp nó khác nhau, cái tiếng hát và cái nhịp âm ca nhạc nó khác nhau. Chẳng hạn như (hát) là tiếng hát dân ca của người miền trung, còn tiếng hát của người M’Nông cũng khác (hát), và tiếng hát của ngườiÊ Đê cũng khác (hát). Do vậy tù và cũng phải theo tiếng hát, theo nhịp hát và theo bài hát của mỗi dân tộc. Chính sự khác biệt này đã làm nên sự độc đáo trong mỗi tiếng tù và của người M’Nông.