Bộ GDĐT không thể cứ lấy cơ sở vật chất là tiêu chí để quyết định cho đào tạo ngành đặc thù như ngành y.
Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng, chuyện xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, nữ bệnh nhân, tên là M.H được mổ cấp cứu vì…chửa ngoài dạ con.
Mổ xong một thời gian thì chị M.H thấy đau bụng dữ dội, đi siêu âm, bỗng hốt hoảng thấy lá lách đã bị cắt bán phần, trong khi buồng trứng và cổ tử cung còn nguyên.
|
(Ảnh minh họa - internet). |
Để chắc ăn, chị M.H đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh siêu âm, lại cho ra một kết quả “lưỡng tĩnh”: Lách còn nguyên, cổ tử cung hoàn toàn bình thường.
Chị M.H thực sự hoang mang, bèn quyết ra tận thành phố Vinh ( Nghệ An) cho chắc ăn, thì lại một kết quả: Lách bị cắt một phần, tử cung bình thường - kết luận của Viện Quân y IV.
Một lần nữa chị M.H đi siêu âm tại Phòng khám chất lượng cao ở TP Vinh thêm một thông tin, gan của chị M.H cũng đã bị cắt.
Bác sĩ nào đúng, bác sĩ nào sai trong vụ việc này hẳn sẽ được Bộ Y tế kết luận, làm rõ để dư luận yên tâm. Song đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong ngành y.
Dư luận cũng đã từng xôn xao chuyện u bên trái cắt bên phải ở Bệnh viện Việt- Pháp hồi nào hồi nào. Ở Quảng Bình thì đau ruột thừa lại đi cắt ruột già. Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thì chuẩn đoán là viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ mủ, mổ xong thì gia đình bệnh nhân được thông báo là viêm buồng trứng và “xẻo” hết…
Chuyện bệnh nhân đau chỗ này, cắt chỗ kia không còn là “chuyện hoang đường” ở Việt Nam.
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đang “chết lặng” với sinh viên hệ cử tuyển ngành y, có đến 30% sinh viên y đã phải ở lại lớp, vì học cho có, không hiểu gì, chuyện thi lại thì như “cơm bữa”. Những người thầy ở trường đại học này bày tỏ lo ngại, không yên tâm đối với sinh viên hệ cử tuyển theo học ngành y.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Văn Khoát, trực tiếp hướng dẫn sinh viên đi thực tập đã than rằng: Có sinh viên năm thứ 6 mà không nắm rõ ruột thừa ở vị trí nào trong ổ bụng.
Xung quanh ruột thừa có các bộ phận nào và những mối liên hệ của nó cũng không biết. Điều này rất nguy hiểm vì họ rất dễ chẩn đoán sai lệch, có thể khiến bệnh nhân mất mạng.
Hẳn Bộ Y tế cũng đang “sống dở chết dở” với đào tạo hệ cử tuyển đối với sinh viên ngành y, nếu bộ không mạnh dạn dừng ngay hệ đào tạo này, thì sẽ cho ra trường những bác sĩ không hơn không kém đồ tể.
Chưa giải quyết xong “vấn nạn” sinh viên y hệ cử tuyển thì, bỗng nhiên Bộ GDĐT lại quyết định cho trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở ngành y đa khoa và dược, khiến dư luận từ ngỡ ngàng sang…không thể chấp nhận- dư luận đồ rằng một trường đang có mô hình đào tạo giống như như nồi lẩu thập cẩm.
Lo ngại hơn khi chính ông Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ tiết lộ rằng, đã xin Bộ GDĐT cho phép tuyển sinh hai ngành học đặc thù này bằng phương pháp xét tuyển, điểm thấp nhất là 20.
Ôi chết! trong khi điểm chuẩn của ngành y bao giờ cũng “nhất y, nhì dược” , ba môn được 27 điểm, bình quân mỗi môn 9 điểm cũng còn trượt dài dài, huống hồ xét tuyển như trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mong muốn thì đào tạo bác sĩ, dược sĩ kiểu gì.
Hơn nữa với mức học phí là 50 triệu/ năm đối với ngành y và ngành dược là 25 triệu/ năm thì cho thấy trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đang nhắm tới hướng đào tạo con nhà giàu đi làm…bác sĩ.
Chỉ có 17/47 giảng viên cơ hữu có cam kết làm việc với nhà trường.Thầy dạy mà “chân ngoài dài hơn chân trong”, trò học thì phải có tiền nhiều…sao đào tạo được bác sĩ giỏi, dược sĩ tài.
Không ít bác sĩ bày tỏ lo ngại về ngành đặc thù có sứ mệnh cứu người mà đào tạo theo kiểu tràn lan như hiện nay, thì tương lai sẽ có rất nhiều, rất nhiều bác sĩ…đồ tể.
Bộ GDĐT không thể cứ lấy cơ sở vật chất là tiêu chí để quyết định cho đào tạo ngành đặc thù như ngành y. Chiếc áo không làm nên thầy tu, thưa Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.