Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất chủ trương cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện thuộc EVN, PVN và Vinacomin.
|
Thủ tướng thống nhất cổ phần hóa các tổng công ty điện lực. Ảnh minh họa. |
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất chủ trương cổ phần hóa các tổng công ty phát điện thuộc EVN, PVN và Vinacomin. Giai đoạn đến năm 2018, các tổng công ty phát điện vẫn trực thuộc các Tập đoàn và do các Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần xuống dưới mức chi phối và tách các tổng công ty phát điện ra khỏi các Tập đoàn sẽ được xem xét khi có đánh giá kết quả hoạt động của các tổng công ty phát điện sau khoảng 2 năm kể từ khi được cổ phần hóa.
Tại Thông báo, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Bổ sung, cập nhật trong Đề án các số liệu hiện trạng ngành điện đến hết năm 2015 kể cả về hạ tầng, mô hình tổ chức và hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, cùng EVN rà soát thêm nội dung về cổ phần hóa các tổng công ty điện lực hoặc các công ty điện lực trực thuộc, trong đó rà soát thêm phương án chỉ cổ phần hóa khâu bán lẻ, không cổ phần hóa khâu phân phối điện.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu, rà soát về tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành điện tại Bộ để đề xuất, hoàn thiện bộ máy tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của ngành điện; chú trọng công tác liên quan đến triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giám sát cung - cầu điện hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền; tăng cường công tác dự báo nhu cầu điện; rà soát, tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý có xem xét kỹ về phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường đối với nguồn nhiệt điện than.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý thị trường bán buôn điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện phải bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành điện gắn với việc tiếp tục chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong điều kiện hội nhập quốc tế; các biện pháp thực hiện phải góp phần bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, tuyệt đối không để xảy ra các rủi ro thiếu điện do vấn đề thể chế và cơ chế hoạt động của ngành điện.
Các giải pháp tái cơ cấu ngành điện trong giai đoạn tới cần xem xét có lộ trình phù hợp với tiến độ của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời có xem xét đến việc chuẩn bị cho phát triển thị trường bán lẻ điện tiếp trong giai đoạn tiếp theo. Tái cấu trúc ngành điện phải đảm bảo thu hút đầu tư nguồn lực hợp lý trong xã hội tham gia vào ngành điện, trong đó Nhà nước nắm giữ 100% hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.