Cơ quan Thanh tra tỉnh Hải Dương đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc chuyển giao thực hiện Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương.
Mới đây, Thanh tra tỉnh Hải Dương ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) về việc thanh tra đột xuất đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và chuyển giao thực hiện Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương.
Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3401/2002/QĐ-UB ngày 16/8/2002.
Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là 137.438.914.000 đồng, gồm vốn ODA của Tây Ban Nha là 59.761.800.000 đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 77.677.114.000 đồng.
Cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn vay ODA cho dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Cấp phát 60%, cho vay lại 40% vốn vay.
UBND tỉnh Hải Dương là cơ quan chủ quan dự án; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (nay là Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương) là chủ dự án tiếp nhận nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Tây Ban Nha.
Dự án được đầu tư bằng nguốn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách tỉnh, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương làm chủ đầu tư đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 7/2012.
Tuy nhiên, sau quá trình chạy thử, dây chuyền công nghệ chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt do phía Tây Ban Nha chuyển giao đã bộc lộ sự lạc hậu, không phù hợp với thực tế rác thải sinh hoạt của Việt Nam nói chung và rác thải sinh hoạt của thành phố Hải Dương nói riêng.
Để khắc phục vấn đề trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã chủ trì tham mưu với UBND tỉnh Hải Dương bàn giao Nhà máy cho đơn vị khác có năng lực xử lý rác thải nhằm đưa Nhà máy đi vào hoạt động, kịp thời giải quyết yêu cầu cấp thiết trong việc xử lý lượng rác thải của thành phố Hải Dương và các huyện lân cận.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện việc bàn giao Nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương và từ Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương được các đơn vị thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, dưới sự chủ trì tổ chức và hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiều hạn chế, sai sót.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bàn giao nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương (doanh nghiệp ngoài Nhà nước) quản lý, sử dụng theo hình thức bàn giao nguyên trạng là không đúng theo quy định.
Phương án tiếp nhận Nhà máy của Công ty cổ phần Môi trường APT- Seraphin Hải Dương được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt có nội dung Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương có trách nhiệm thay mặt UBND tỉnh trả gốc và lãi phần vốn vay ODA theo quy định của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, khi thẩm định phương án tiếp nhận nhà máy, Sở Kế hoạch và Đầu tư không tham mưu với UBND tỉnh xin ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính theo quy định.
Từ đó dẫn đến, Bộ Tài chính không chấp thuận việc chuyển giao Chủ dự án từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương theo đề nghị của UBND tỉnh, do Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương không đủ năng lực tài chính.
|
Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm xảy ra trong việc chuyển giao thực hiện Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương. (Ảnh: baoxaydung.com.vn) |
Theo Quyết định số 2285/QĐ-UBND ngày 9/10/2012, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát việc bàn giao, tiếp nhận và triển khai vận hành Nhà máy sau khi tiếp nhận.
Tuy nhiên, khi tổ chức bàn giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa yêu cầu các đơn vị thực hiện bàn giao số liệu theo dõi trên sổ sách kế toán.
Đối với Sở Tài chính, KLTT cũng chỉ ra việc Sở Tài chính được UBND tỉnh giao tham mưu quản lý tài sản nhà nước tại tỉnh và quản lý phần vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhưng khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh bàn giao Nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương cho Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương chưa đúng theo quy định, Sở Tài chính không có văn bản báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh là chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.
KLTT cũng chỉ rõ việc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương không thông báo và xin ý kiến Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện bàn giao tài sản, bàn giao công nợ, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA cho Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương là vi phạm hợp đồng vay vốn ODA đã ký.
Nhà máy được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 5/7/2012, nhưng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương vẫn thực hiện theo dõi, hạch toán trên TK241 (xây dựng cơ bản dở dang), chưa ghi nhận tăng tài sản cố định là chưa đúng theo quy định.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết toán toàn bộ dự án.
Đối với Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, Công ty này chưa phản ánh, ghi nhận trên sổ sách kế toán đối với tài sản nhận bàn giao.
Nguyên nhân do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương không bàn giao đầy đủ hồ sơ quyết toán toàn bộ dự án nên thiếu căn cứ cơ sở pháp lý và điều kiện ghi nhận tài sản theo quy định pháp luật hiện hành.
Do không đủ năng lực về tài chính, tháng 5/2015, Công ty Cổ phần Môi trường APT- Seraphin Hải Dương có Tờ trình trả lại nhà máy cho tỉnh.
Sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với UBND tỉnh quyết định chuyển giao nhà máy từ Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương (tại thời điểm nhận bàn giao là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ).
Ngày 01/11/2017, Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đã thực hiện bàn giao nguyên trạng Nhà máy cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 3/11/2016 có nội dung chuyển giao nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA và giao Sở Tài chính “Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận chuyển giao chủ thể trả nợ đối với khoản vốn vay từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương” là chưa phù hợp với quy định.
Sở Tài chính chưa tham mưu cho UBND tỉnh trong việc định giá giá trị tài sản trên đất còn lại của nhà máy đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Dẫn đến, Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán với UBND tỉnh các khoản chi phí được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cho nhà máy theo giá trị định giá lại.
Cơ quan Thanh tra chỉ rõ, để xảy ra các hạn chế, thiếu sót trên, trách nhiệm thuộc về:
Lãnh đạo Sở Tài chính phụ trách lĩnh vực cán bộ có liên quan của Sở do chưa thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu chuyển giao nhà máy xử lý rác thải ODA từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương và tham mưu định giá giá trị tài sản trên đất còn lại của nhà máy đã được đầu tư nguồn vốn ngân sách tỉnh khi thực hiện chuyển giao nhà máy từ Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương .
Lãnh đạo Sở kế hoạch và Đầu tư phụ trách lĩnh vực và cán bộ có liên quan của Sở do có thiếu sót trong việc tham mưu với UBND tỉnh chuyển giao Nhà máy xử lý rác thải ODA từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương và từ Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương .
Nguyên Giám đốc và cán bộ thực hiện Dự án của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị do không xây dựng kế hoạch rút vốn nước ngoài hàng năm, không lập báo cáo giải ngân hàng quý gửi Bộ Tài chính theo quy định.
Thiếu trách nhiệm theo dõi qua trình nhập khẩu vật tư thiết bị dứ án và các điều khoản liên quan dẫn đến chậm phát hiện số liệu giải ngân vốn dự án như đã nêu trên.
Thiếu sót trong việc thực hiện Điều 11, Hợp đồng vay vốn ODA đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương; việc hạch toán tài sản hình thành từ dự án và trình quyết toàn toàn bộ Dự án nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương.