Dự án “Cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch kết hợp làm đường giao thông vào trường Đại học Nông Lâm và khu trung tâm ký túc xá sinh viên Đại học Thái Nguyên” có tổng dự toán đầu tư 75 tỷ đồng với 04 gói thầu, thời gian thực hiện thi công từ 15/10/2013 đến 15/5/2014. Công ty Cổ phần Bắc Việt là đơn vị thi công gói thầu số 1. Mặc dù không có hóa đơn giá trị gia tăng, hồ sơ thanh toán chưa đầy đủ chứng từ theo quy định pháp luật song nhà thầu vẫn được chủ đầu tư và cơ quan chức năng giải ngân thanh toán.
|
Dự án năng cấp cải tạo tuyến đê Mỏ Bạch đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư thanh toán trên 5 tỷ đồng mặc dù không có hóa đơn chứng từ. |
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch kết hợp làm đường giao thông vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và khu Trung tâm ký túc xá sinh viên Đại học Thái Nguyên (gọi tắt là dự án tuyến đê Mỏ Bạch), mở rộng, nâng cấp 968m mặt đê, lát mái bê tông bảo vệ đê dài 150m, xây lắp 1 cây cầu bê tông; tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp, do Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên) làm chủ đầu tư; trong đó, 32 tỷ đồng dành cho xây lắp, 34 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng và 9 tỷ đồng là kinh phí dự phòng. Dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó, Công ty cổ phần Bắc Việt trúng thầu thi công gói thầu số 1. Trong thời gian thi công, tiến độ xây lắp đơn vị này được đánh giá rất chậm và mất khả năng thực hiện nên chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chấm dứt hợp đồng thi công.
|
Ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái nguyên (kiêm Trưởng ban Dự án) và cán bộ kỹ thuật giám sát công trình làm việc với phóng viên Báo TN&MT xung quanh vấn đề rút tiền tỷ của nhà nước mà không có chứng từ thanh toán. |
Theo ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng, kiêm Trưởng Ban dự án thì Công ty Cổ phần Bắc Việt thi công rất chậm, ảnh hưởng đến dự án. Nhưng điều ngạc nhiên tốc độ giải ngân lại rất nhanh: Ngày 31/12/2013 Công ty Cổ phần Bắc Việt gửi văn bản số 01/CV-CT đến Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên đề nghị thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành với giá trị là 5.422.641.601 đồng. Chỉ ít ngày sau, tức ngày 15/01/2014 Công ty này đã được chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên chuyển cho 4.922.416.000 đồng. Và cũng chỉ vài ngày sau (23/01/2014) Công ty lại được chuyển thêm 136.175.941 đồng. Tổng hai lần Công ty này được thanh toán 5.058.591.491 đồng, mặc dù không hề có hóa đơn giá trị gia tăng.
Theo phản ánh của bạn đọc qua đường dây nóng, ngày 02/10/2017, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, cụ thể làm việc với ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng, kiêm Trưởng Ban dự án và cán bộ kỹ thuật cùng kế toán trưởng của Chi cục Thủy lợi để tìm hiểu về dự án đầy tai tiếng này.
|
Công ty Cổ phần Bắc Việt "ẵm" trên 5 tỷ đồng "cao chạy xa bay" từ nhiều năm qua, không chuyển hóa đơn cho chủ đâu tư. |
Qua tiếp cận hồ sơ thanh toán của dự án “Cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch kết hợp làm đường giao thông vào trường Đại học Nông Lâm và khu trung tâm ký túc xá sinh viên Đại học Thái Nguyên”, chúng tôi rất ngạc nhiên khi toàn bộ hồ sơ lưu trữ trong kho đã nhiều năm, nhưng không hề có hóa hóa đơn thanh toán theo quy định, song 2 lần Công ty Cổ phần Bắc Việt vẫn được giải ngân thanh toán với số tiền lên đến trên 5 tỷ đồng (!?).
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban dự án; ông Nguyễn Thế Tuyên, cán bộ kỹ thuật thực hiện dự án; bà Phạm Thị Thu Hiền, Kế toán trưởng Chi cục Thủy lợi đã thừa nhận, hiện tại hồ sơ thanh toán của Công ty Cổ phần Bắc Việt chưa có hóa đơn giá trị gia tăng. Cũng theo các vị này Công ty Cổ phần Bắc Việt thực hiện được 40%, gói thầu số 1 thì chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng thi công vì không đủ năng lực, cơ quan chức năng thay đổi nhà thầu khác để thi công tiếp.
Khi phóng viên hỏi vì sao chỉ mới thi công một khối lượng công việc nhất định trong gói thầu của mình mà đã được Chi cục chuyển một số lượng tiền xấp xỉ với số tiền mà đơn vị này đề nghị được thanh toán nhưng vẫn chưa chuyển hóa đơn cho chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi, việc này có trái với quy định, trái với việc chi tiền ngân sách nhà nước không thì các cán bộ này không trả lời mà chỉ xác nhận đến thời điểm hiện tại (tức ngày 02/10/2017-PV) tại Chi cục Thủy lợi vẫn chưa có hóa đơn của Công ty Cổ phần Bắc Việt. Khi phóng viên phỏng vấn về nghiệp vụ kế toán, công tác quản lý tài chính khi chi món tiền lớn mà không có chứng từ thì vị kế toán trưởng Phạm Thị Thu Hiền trả lời: Các anh hỏi anh Thành, Phó Chi cục trưởng, Trưởng Ban dự án trực tiếp quản lý giai đoạn này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn thực hiện Dự án tuyến đê Mỏ Bạch, ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi (đơn vị chủ đầu tư) là người chịu trách nhiệm toàn diện về dự án, nay đã chuyển sang vị trí Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên; bà Vũ Thị Xuyên – Kế toán trưởng Chi cục Thủy lợi nay chuyển sang phòng tổ chức - cán bộ (Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên).
Một dự án được coi là “kiểu mẫu” của tỉnh Thái Nguyên mà sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề hóa đơn, chứng từ, hồ sơ thanh toán khiến dư luận bất bình và hoài nghi về chất lượng công trình. Được biết, Công ty Cổ phần Bắc Việt có trụ sở chính tại tỉnh Bắc Kạn và hiện nay chủ đầu tư rất khó liên lạc với nhà thầu này.
Với tư cách là Chủ đầu tư, ký nhiều chứng từ sai phạm song ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên vẫn được thăng quan tiến chức, lên làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban QLDA các Công trình Nông nghiệp Thái Nguyên?
Dự án xây dựng cơ bản là lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ tính minh bạch của Dự án tuyến đê Mỏ Bạch. Các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Thái Nguyên trả lời vấn đề trên ra sao về dự án này, báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.
Ông Phạm Văn Sen, cán bộ hưu trí, người đã từng 14 năm tham gia hội thẩm nhân dân TP. Sông Công (Thái Nguyên) khẳng định: Không có hóa đơn chứng từ mà xuất tiền là có thể mất ngay. Tất cả những người chưa có chứng từ đầy đủ mà chi tiền, xuất tiền ra là “cầm đằng lưỡi”; người không đủ chứng từ mà được thanh toán là “cầm đằng chuôi”. Ra đến pháp luật, chứng từ là "thầy cãi". Chưa có chứng từ mà đã chuyển tiền là mờ ám, có thể có sự “bôi trơn”. Thiếu hóa đơn mà vẫn thanh toán là có sự mờ ám, sai phạm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ, cần thiết phải khởi tố hình sự theo quy định pháp luật. |