Chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm
Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm, Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh đang chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì nguồn cung vật liệu xây dựng, góp phần giữ vững nhịp độ phát triển hạ tầng kỹ thuật và giao thông liên vùng trong giai đoạn tới.
Theo Sở Xây dựng, hiện tỉnh Tây Ninh đang tích cực chuẩn bị đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn có ý nghĩa kết nối liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 |
Công nhân thảm nhựa tuyến ĐT.787B thuộc dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - ĐT.787B - ĐT.789 |
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1), đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh là dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021–2030.
Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), dài 28 km, quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, chiều rộng nền đường 25,25 m, với tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) khoảng 7.500 tỷ đồng.
Trong đó, vốn nhà nước chiếm 49,8% (3.734 tỷ đồng), còn lại là vốn của nhà đầu tư (3.766 tỷ đồng). Dự kiến, ngân sách tỉnh chỉ có thể cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng cho phần bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Do đó, Sở Xây dựng đã đề nghị Sở Tài chính sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng thẩm định cấp cơ sở để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và làm việc với nhà đầu tư.
Song song đó, tỉnh cũng đang xúc tiến dự án đường trục động lực kết nối Bình Dương – Tây Ninh – Campuchia (tuyến ĐT.789B, đoạn từ cầu Bình Tây đến Quốc lộ 22, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài), dài 19,6 km, đi qua địa phận ba huyện: Dương Minh Châu, Gò Dầu và Bến Cầu.
Dự án có quy mô 6 – 8 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng 62 m, với tổng mức đầu tư khoảng 4.676 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường, GPMB ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng.
Một dự án khác là đường 781D (đường Trưng Nữ Vương, đoạn mở mới từ Quốc lộ 22B đến ĐT.781) có chiều dài 6 km, đi qua thành phố Tây Ninh và huyện Châu Thành, với tổng mức đầu tư khoảng 537 tỷ đồng.
Cả hai dự án đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh lập đề xuất chủ trương đầu tư, dự kiến trình HĐND tỉnh vào kỳ họp tháng 5/2025, phê duyệt trong tháng 8/2025 và tổ chức khởi công vào cuối năm 2025.
Chủ động nguồn vật liệu thi công
Trong bối cảnh hàng loạt dự án hạ tầng sắp được khởi công, vấn đề nguồn cung vật liệu xây dựng đang được đặc biệt quan tâm.
Theo tính toán của Sở Xây dựng, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giai đoạn 2025–2027 bao gồm khoảng 2.232 m³ đá xây dựng, 1.375 m³ cát xây dựng và 10.855 m³ vật liệu san lấp.
Để chủ động nguồn cung, Sở đã lựa chọn nhiều điểm mỏ với trữ lượng dồi dào, sẵn sàng phục vụ thi công các công trình trọng điểm gồm các mỏ đá: Mỏ SHBĐ 150-D (xã Lộc Trung – Lộc Ninh – Dương Minh Châu) diện tích 14,22 ha, trữ lượng 2,94 triệu m³; mỏ SHBĐ 28 (xã Tân Hòa – Tân Châu): diện tích 77,5 ha, trữ lượng 15,5 triệu m³.
 |
Công nhân thi công tuyến ĐT.787B thuộc dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - ĐT.787B - ĐT.789 (đoạn qua địa phận xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) |
Nguồn cát xây dựng, ngoài các mỏ đang khai thác, tỉnh đang xúc tiến cấp phép khai thác 3 điểm mỏ tại xã Suối Đá và Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), xã Bến Sỏi (huyện Châu Thành).
Vật liệu san lấp gồm: mỏ SHBĐ 214-C (xã Chà Là – Dương Minh Châu): diện tích 26 ha, trữ lượng 1,7 triệu m³; mỏ SHBĐ 211-C (xã Chà Là – Dương Minh Châu): diện tích 74 ha, trữ lượng 8,88 triệu m³; mỏ SHBĐ 158-D (xã Đôn Thuận – Trảng Bàng): diện tích 87 ha, trữ lượng 13,19 triệu m³.
Theo Sở Xây dựng, với trữ lượng lớn và vị trí phân bố hợp lý, các khu vực, điểm mỏ nêu trên hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công các dự án giao thông quy mô lớn trong giai đoạn tới.
Thúc đẩy tiến độ và tổ chức thực hiện
Nhằm giữ vững tiến độ đầu tư, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông khẩn trương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án đường trục động lực Bình Dương - Tây Ninh) và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (đối với các dự án đường Trưng Nữ Vương, đường Hoàng Lê Kha nối dài).
Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện thông báo thu hồi đất, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ tháng 5 đến tháng 11/2025.
Đối với các dự án đã đủ điều kiện triển khai, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tập trung nguồn lực, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành theo đúng cam kết trong hợp đồng.
Riêng dự án đường Cách Mạng Tháng Tám cần được ưu tiên khởi công sớm để đồng bộ với dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải do TP. Tây Ninh làm chủ đầu tư, nhằm hoàn thành toàn bộ hạng mục trong năm 2025.
 |
Việc chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng giúp Tây Ninh tránh thế bị động, giữ ổn định chi phí và tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. |
Việc chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng giúp Tây Ninh tránh thế bị động trong quá trình triển khai đầu tư công, đồng thời góp phần giữ ổn định chi phí và tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Với kế hoạch chuẩn bị và sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, địa phương này đang thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kết nối vùng Đông Nam Bộ với khu vực biên giới và quốc tế.