Hồi sinh từ tro tàn chiến tranh
Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng vào trưa 30/4/1975, sau những ngày tổng tấn công quyết liệt của quân và dân địa phương theo phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”. Nhưng ngày thống nhất cũng là lúc Tây Ninh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: 60/73 xã bị tàn phá nặng nề, hạ tầng đổ nát, nền kinh tế kiệt quệ, đại đa số người dân sống trong cảnh nghèo đói.
![]() |
Dự án điện năng lượng mặt trời Dầu tiếng được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng rộng 504 ha với công suất lắp đặt 420 MW |
Không chỉ đối mặt với hậu quả chiến tranh, Tây Ninh còn gánh thêm trọng trách bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự xâm phạm của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt. Trong điều kiện khó khăn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã kiên cường vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa cưu mang gần 30.000 người dân Campuchia tị nạn, đồng thời chi viện cho tỉnh Kompong Chàm, góp phần giúp đất bạn hồi sinh sau nạn diệt chủng.
Những năm đầu sau giải phóng, Tây Ninh tập trung vào việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống, mở rộng vùng kinh tế mới, cải tạo ruộng đất, phát triển hệ thống thủy lợi. Nổi bật trong giai đoạn này là công trình Hồ Dầu Tiếng – thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á – huy động hơn 14 triệu ngày công, trở thành biểu tượng cho tinh thần lao động không mệt mỏi của người dân Tây Ninh sau chiến tranh.
Chuyển mình vươn lên cùng đất nước
Khi cả nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, Tây Ninh cũng dần bứt phá khỏi khó khăn, mở đầu giai đoạn phát triển mới. Từ tỉnh thuần nông nghèo khó, Tây Ninh đã vươn lên toàn diện về kinh tế, hạ tầng, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại.
Kinh tế tăng tốc và hội nhập mạnh mẽ, trong đó, nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tạo giá trị cao trên một đơn vị diện tích. Năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 115 triệu đồng/ha, tỷ lệ chăn nuôi trang trại đạt trên 80%. Hồ Dầu Tiếng trở thành “nguồn sống” tưới tiêu cho trên 100.000 ha đất nông nghiệp, góp phần ổn định sản xuất cho Tây Ninh và các tỉnh lân cận.
![]() |
Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch quốc gia |
Công nghiệp từ chỗ gần như trắng tay sau giải phóng, nay đã có 6 khu công nghiệp, 2 khu kinh tế cửa khẩu và nhiều cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%. Toàn tỉnh Tây Ninh có hơn 400 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ USD. Các ngành năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, công nghiệp sạch… đang trở thành động lực tăng trưởng mới.
Thương mại - dịch vụ tăng trưởng ấn tượng, hệ thống bán lẻ hiện đại được phủ khắp, du lịch phát triển vượt bậc. Núi Bà Đen trở thành Khu du lịch Quốc gia, đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch quốc gia.
Xã hội - văn hóa phát triển toàn diện với hệ thống giáo dục được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt cao. Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp. Y tế phát triển vượt bậc với 17 bệnh viện, trên 90 trạm y tế cơ sở, 100% xã có bác sĩ. Các kỹ thuật y tế hiện đại như can thiệp tim mạch, ghép tạo nhịp tim được thực hiện ngay tại tuyến tỉnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa sâu rộng, 100% huyện, xã có trung tâm văn hóa – thể thao; hệ thống thiết chế được đầu tư bài bản. Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy, gắn với phát triển du lịch. Tỉnh Tây Ninh có 96 di tích được xếp hạng, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam – niềm tự hào cách mạng không chỉ của Tây Ninh mà của cả dân tộc.
![]() |
Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tuần tra, bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia |
Cải cách hành chính, tài chính - tín dụng chuyển biến tích cực, trong đó, hệ thống hành chính được kiện toàn, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai đồng bộ, minh bạch. Môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện rõ nét. Thu ngân sách tăng bình quân 5,4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tây Ninh nằm trong nhóm 10 địa phương có chỉ số điều hành kinh tế (PCI) tốt của cả nước.
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Là tỉnh biên giới, Tây Ninh giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển quan hệ đối ngoại. Sau năm 1975, quân và dân Tây Ninh vừa bảo vệ biên giới, vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Trong 10 năm (1979-1989), tỉnh Tây Ninh đã cử hơn 4.600 cán bộ, chiến sĩ sang hỗ trợ tỉnh Kompong Chàm, vun đắp mối quan hệ láng giềng đoàn kết, hữu nghị, cùng phát triển.
Ngày nay, biên giới hòa bình, ổn định đã tạo nền tảng cho phát triển kinh tế biên mậu, giao thương quốc tế. Tây Ninh đã hoàn thành hơn 84% công tác phân giới cắm mốc với Campuchia; quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh bạn như Svay Rieng, Prey Veng không ngừng mở rộng.
Công tác quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc. Tỉnh Tây Ninh hoàn thành đường tuần tra biên giới dài hơn 168 km, xây dựng 32 chốt dân quân thường trực, bảo đảm an ninh vùng biên. Lực lượng công an chính quy được bố trí đến 100% xã, công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.
![]() |
Mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Campuchia nói chung và Tây Ninh và hai tỉnh bạn Svay Rieng, Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia nói riêng ngày càng thắt chặt, bền vững lâu dài |
Về đối ngoại, Tây Ninh thiết lập quan hệ hợp tác với 6 tỉnh, thành phố nước ngoài, trong đó có các địa phương của Hàn Quốc, Campuchia… Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đã đến khảo sát, mở rộng hợp tác, tạo điều kiện để Tây Ninh hội nhập sâu rộng với thế giới.
Dự báo đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương năng động, văn minh, đáng sống, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh Tây Ninh xác định ba đột phá chiến lược: phát triển hạ tầng bền vững; cải cách thể chế, tháo gỡ “điểm nghẽn” đầu tư; và chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh. Những công trình trọng điểm như cao tốc TP HCM – Mộc Bài, các khu công nghiệp, khu đô thị mới, hạ tầng du lịch đẳng cấp… đang từng ngày hiện thực hóa khát vọng vươn lên của tỉnh.
Nửa thế kỷ đã đi qua, hành trình từ đạn bom đến hòa bình, từ khó nghèo đến phát triển của Tây Ninh là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của một vùng đất trung dũng, kiên cường. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để mỗi người dân Tây Ninh thêm tự hào, tiếp tục vun đắp niềm tin và quyết tâm, cùng đưa quê hương vững bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
Tags: