Hơn 100 tiêu linh vật Việt được trưng bày, một số hiện vật đặc sắc khác sẽ được trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) tại Hà Nội.
Ngày 22/12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa của các hình tượng linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng tổ chức triển lãm trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”, giới thiệu đến công chúng hơn 100 hiện vật tiêu biểu về các loại hình linh vật. Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày, nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập Linh vật Việt Nam hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trưng bày này diễn ra đến hết tháng 2/2016 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.
Mang đầy ý nghĩa giáo dục tọa đàm "Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống” đã giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo cũng như diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật của linh vật Việt Nam. Cùng những chức năng sử dụng, ý nghĩa biểu tượng văn hóa của chúng, khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt từ đó nâng cao ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.
|
Các linh vật được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc Việt. |
Đến với chương trình này, công chúng có cơ hội tham gia trò chuyện, thảo luận với những nhà nghiên cứu về các vấn đề quan tâm, thông qua đó, được trải nghiệm kiến thức đã học và tăng thêm hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc.
Thực tế cho thấy linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau. Những linh vật này có thể do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài mà có. Linh vật được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.
|
Linh vật Tượng Si Vẫn làm bằng đất nung, từ thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ XVII-XVIII. Đây là linh vật xuất phát từ trí tưởng tượng dân gian về một loại động vật biển đầu rồng, thân cá, đuôi cong tròn mỗi khi đập sóng là có mưa. Người xưa còn gọi Si Vẫn bằng tục danh là con Kìm, thường đắp lên trên các công trình kiến trúc với ý nghĩa để tránh hỏa hoạn. |
Theo GS. Trần Lâm Biền: Những con vật chuyển hóa thành thành linh vật có nghĩa nó vượt ra ngoài những xác thân cụ thể để mang giá trị biểu tượng. Chẳng hạn như con Rồng, trong một giới hạn nào đó nó là biểu tượng chung của cả trời đất và nước. Song quan trọng là người Việt Nam là sử dụng nước tại chỗ, tức là trong nông nghiệp sử dụng nước mưa là chính vì vậy ý nghĩa con rồng gắn với mây mưa là quan trọng nhất.
Nhận thức về mây mưa của nhân loại, cũng như con người Việt Nam là “tinh dịch” của trời trao vào đất mẹ cho muôn loài sinh sôi. Vì thế, con Rồng là linh vật gắn với mưa là hạnh phúc tối thượng của nền kinh tế lúa nước Việt Nam và rõ ràng rằng rồng là con vật đứng đầu trong hệ thống linh vật nước ta. Bởi nó đảm bảo cho nhân dân ta ước vọng được mùa, hạnh phúc, phồn thực một cách sâu sắc nhất. Khi người Việt mong muốn những gì thì được thể hiện rõ ràng nhất ở linh vật.
|
"Những con vật chuyển hóa thành thành linh vật có nghĩa nó vượt ra ngoài những xác thân cụ thể để mang giá trị biểu tượng.", GS Trần Lâm Biên nói. |
Chia sẻ về trăn trở việc giáo dục văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị của những linh vật Việt, GS Trần Lâm Biền cho biết: "Trách nhiệm giáo dục văn hóa truyền thống không chỉ dừng ở các nhà nghiên cứu mà còn phải được mở rộng hơn ở việc tuyên truyền. Muốn tuyền truyền tích cực và hiệu quả về văn hóa truyền thống và tâm linh phải dựa trên nền tảng trí tuệ. Vì chỉ có trí tuệ mới chống được mê tín dị đoan, khi tuệ và tâm được song hành sẽ hướng con người đi vào sự chân chính."