Nghị quyết 57-NQ/TW xác lập trụ cột đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực then chốt thúc đẩy phát triển quốc gia đã đặt nền móng cho khát vọng quốc gia khởi nghiệp bền vững.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW một văn kiện mang tính “thiết kế lại” toàn diện nền tảng thể chế cho quốc gia sáng tạo. Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác lập là trụ cột xuyên suốt, là động lực chính thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/01/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Không coi khoa học công nghệ là lĩnh vực riêng biệt, mà là trục xuyên tâm trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội.”
Trung tâm hỗ trợ pháp lý khởi nghiệp
Nghị quyết 57 không chỉ nâng tầm đổi mới sáng tạo từ công cụ lên thành mục tiêu phát triển quốc gia, mà còn đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp then chốt nhằm hoàn thiện thể chế, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực, thị trường khoa học công nghệ, tài chính đổi mới và chuyển đổi số toàn diện.
 |
Nghị quyết 57-NQ/TW xác lập trụ cột đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực then chốt thúc đẩy phát triển quốc gia. |
Phản ánh tinh thần của Nghị quyết 57, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những điều chỉnh theo hướng cởi mở và minh bạch hơn. Điều 7 khẳng định quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, một tuyên ngôn thể chế khẳng định vai trò của doanh nhân. Điều 4 cho phép doanh nghiệp được tự chọn mô hình tổ chức và phương thức điều hành linh hoạt. Khoản 1 Điều 13 bãi bỏ yêu cầu về mẫu dấu doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt trong xác lập pháp lý. Điều 115 hạ ngưỡng triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, tạo điều kiện cho quản trị năng động hơn trong công ty cổ phần.
Tuy nhiên, như TS Đặng Công Tráng - Trưởng khoa Luật, Đại học công nghiệp TP.HCM chỉ rõ: "Luật Doanh nghiệp 2020 mới chỉ mở cửa, nhưng chưa tạo được hành lang đủ rộng cho đổi mới sáng tạo bứt phá." Để quốc gia khởi nghiệp đi vào thực chất, cần tiếp tục sửa đổi các đạo luật liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư... theo hướng tích hợp, đồng bộ và hỗ trợ tương tác giữa các mô hình kinh doanh mới với hệ thống pháp luật hiện hành.
Không ít doanh nghiệp startup phản ánh khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn. Tại Bình Phước, chị Nguyễn Thị Thu Hằng - sáng lập startup nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ rằng ý tưởng xuất khẩu nông sản qua blockchain vẫn chưa được pháp luật công nhận hợp đồng thông minh hay công cụ mã hóa giá trị như token. Còn tại Hà Nội, anh Trần Việt Dũng điều hành một startup y tế số cho biết gặp khó khăn khi tiếp cận dữ liệu y tế công để huấn luyện AI, dù đã ký cam kết bảo mật.
Phản hồi trước những bất cập, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Bộ đang phối hợp cùng các bộ ngành để chuẩn bị trình Luật Đổi mới sáng tạo vào năm 2026. Trong thời gian chờ luật hóa, các mô hình sandbox thí điểm như fintech, năng lượng sạch, AI sẽ là công cụ chuyển tiếp để các mô hình đổi mới được kiểm chứng trong thực tiễn.
Tại TP.HCM, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3451/QĐ-UBND về Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng phân bổ nguồn lực tài chính và thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ nhằm kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái.
 |
Đồng Nai đang xây dựng Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đến 2030, tập trung vào công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. |
Tỉnh Đồng Nai cũng đang tích cực xây dựng Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2030, với trọng tâm là thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao và nông nghiệp thông minh, hai ngành mũi nhọn của địa phương.
Ở cấp trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đang triển khai kế hoạch thành lập các trung tâm hỗ trợ pháp lý khởi nghiệp cấp vùng. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò tạo dựng hành lang pháp lý minh bạch, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển.
Xóa bỏ rào cản cải cách
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2024, kinh tế số của Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, với tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, với mức tăng 28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023, hiện là nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, bức tranh phát triển ấy vẫn còn những mảng xám từ dữ liệu chưa chuẩn hóa, thiếu các nền tảng số dùng chung, đến sự rời rạc trong kết nối giữa chính quyền điện tử và doanh nghiệp.
Giữa những bất cập đó, TP. Thủ Đức hiện là nơi đang thí điểm tích hợp dữ liệu y tế, giáo dục, giao thông trên nền tảng đô thị thông minh. Mô hình này cho thấy rõ, khi dữ liệu được vận hành như một nguồn tài nguyên minh bạch, sáng tạo không còn là đặc quyền của một nhóm nhỏ mà trở thành dòng chảy tự nhiên trong mọi lĩnh vực.
Quốc gia khởi nghiệp đòi hỏi một thể chế khơi mở, nơi chính sách không làm nhiệm vụ kiểm soát, mà trở thành người bạn đồng hành; nơi pháp luật không dựng rào chắn, mà mở đường cho ý tưởng phát triển. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy cải cách thể chế phục vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Văn kiện này xác lập rõ vai trò trung tâm của thể chế trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho công nghệ, doanh nghiệp và sáng kiến phát triển.
 |
Cải cách thể chế chỉ hiệu quả khi đi cùng cải cách con người, với cán bộ chuyển từ giám sát sang đồng hành, từ xử lý sang hỗ trợ. |
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, thể chế cần được vận hành linh hoạt, pháp luật phải đóng vai trò bảo vệ chứ không cản trở sáng tạo, còn cơ quan quản lý cần chuyển từ tư duy kiểm soát sang tư duy phục vụ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nhiều ý tưởng công nghệ hiện vẫn bị kẹt ở giai đoạn thử nghiệm do thiếu khuôn khổ sandbox rõ ràng và hành lang pháp lý cho các loại tài sản phi truyền thống như tài sản số, dữ liệu cá nhân hay sở hữu trí tuệ sáng tạo. Các startup trong lĩnh vực blockchain, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính thường gặp vướng mắc ngay từ bước xin phép thử nghiệm, vì chưa có cơ quan chủ trì hoặc cơ chế chấp nhận rủi ro công nghệ.
Những rào cản này không thể tháo gỡ bằng các chỉ đạo hành chính đơn lẻ, mà đòi hỏi các chính sách đi trước một bước, có tính linh hoạt và dựa trên nguyên tắc thử nghiệm, điều chỉnh. Trong bối cảnh đó, đề xuất xây dựng Luật Đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ khởi xướng, dự kiến trình vào năm 2026, được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các loại hình tài sản mới, quyền sở hữu dữ liệu và sáng chế trên nền tảng số.
Việc nâng cao tính thực thi của Luật Doanh nghiệp 2020 là yêu cầu cấp thiết, bởi nhiều cải cách hiện tại như bỏ mẫu dấu, nới lỏng quy trình họp cổ đông vẫn mang tính hình thức. Doanh nghiệp cần một môi trường pháp lý linh hoạt, số hóa, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng. Để đạt được điều này, cần sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ KH&CN trong sửa đổi luật và triển khai công cụ số như hồ sơ điện tử, cổng dữ liệu liên thông, cơ chế phản hồi chính sách thời gian thực.
Tuy nhiên, cải cách thể chế chỉ hiệu quả khi gắn với cải cách con người. Cán bộ phải chuyển từ giám sát sang đồng hành, từ xử lý sang hỗ trợ. Một hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ hình thành khi được nuôi dưỡng bằng niềm tin vào hệ thống minh bạch, phản hồi nhanh và thực sự đồng hành. Chỉ khi đó, thể chế mới trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp, giúp hiện thực hóa mục tiêu quốc gia khởi nghiệp bền vững.
(Còn tiếp)