Theo kết quả kiểm toán, Vinaconex 12 mắc một số thiếu sót, vi phạm về tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước.
Theo nguồn tin của Pháp luật Plus, mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ban hành thông báo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Công ty CP Xây dựng số 12 thuộc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex 12).
Nhiều tồn tại
KTNN cũng chỉ rõ một số tồn tại về công tác quản lý vốn và tài sản Nhà nước của Vinaconex 12 như: Việc đối chiếu công nợ phải thu của Vinaconex 12 chưa đầy đủ, số nợ phải thu đã đối chiếu với các bên liên quan đạt 81,53% (239 tỉ đồng/293 tỉ đồng); chưa trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn. Tổng số nợ phải thu ngắn hạn khó đòi tính đến ngày 31/12/2016 là hơn 39 tỉ đồng, Vinaconex 12 đã trích lập hơn 34 tỉ đồng, số chưa thực hiện trích lập hơn 4 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, cơ quan chức năng cũng nêu rõ trong thông báo, Vinaconex 12 đã thực hiện thi công xong 2 công trình PK1B Quốc lộ 3 mới đoạn Đông Anh - Yên Phong từ năm 2015, chi phí dở dang hơn 2,6 tỉ đồng. Công trình đường B3-E6 khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc thực hiện từ năm 2008, chi phí dở dang 972 triệu đồng.
|
Tờ trình của Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của Vinaconex 12 đề xuất lương của Chủ tịch HĐQT là 480 triệu đồng/năm. |
Đến nay, cả 2 công trình chưa được chủ đầu tư nghiệm thu quyết toán, chưa xác định được kết quả kinh doanh hoạt động xây lắp. Đối với việc giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, theo cơ quan kiểm toán, người đại diện vốn của Vinaconex tại Vinaconex 12 chưa lập báo cáo giám sát tài chính theo quy định.
Từ những tồn tại nêu trên, KTNN kiến nghị Vinaconex 12 điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, xử lý tài chính nộp ngân sách nhà nước các khoản thuế sau kiểm toán xác định tăng thêm 350,3 triệu đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng 2,6 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 307,3 triệu đồng, tiền thuê đất 40,3 triệu đồng.
Vinaconex 12 phải chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán; tăng cường đối chiếu công nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính với các bên liên quan theo quy định. Đồng thời, thành lập hội đồng đánh giá khả năng thu hồi nợ quá hạn để trích lập dự phòng số tiền 4,6 tỉ đồng và có biện pháp thu hồi đối với khoản nợ này.
KTNN cũng yêu cầu, Vinaconex 12 phải phối hợp với các chủ đầu tư và phê duyệt quyết toán khối lượng hoàn thành các gói thầu PK1B công trình Quốc lộ 3 mới đoạn qua Đông Anh - Yên Phong và công trình đường B3-E6 khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc; kết chuyển chi phí dở dang còn kết dư để xác định kết quả kinh doanh (gói PK1B 2,6 tỉ đồng, gói B3-E6 972 triệu đồng).
|
Một trong nhiều sai phạm mà KTNN nhắc nhở Vinaconex 12. |
Nợ phải trả xấp xỉ 520 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính năm 2017, Vinaconex 12 ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới hơn 519,1 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2017 (đã điều chỉnh lại). Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 504,7 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14,3 tỷ đồng. Trong các khoản nợ ngắn hạn, chiếm lớn nhất là khoản nợ vay ngắn hạn 167,2 tỷ đồng, và phải trả người bán ngắn hạn 160,5 tỷ đồng…
|
Nợ phải trả của Vinaconex 12 là xấp xỉ 520 tỷ đồng. |
Cũng theo Báo cáo tài chính kết thúc năm 2017, nhiều số liệu đã minh chứng cho việc trong khi nợ gần 520 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Vinaconex 12 tại cùng thời điểm chỉ có 93,3 tỷ đồng.
Những con số biết nói này, thể hiện, Vinaconex 12 đang phải oằn mình trả nợ.
Qua tìm hiểu được biết, ông chủ nợ lớn nhất của Vinaconex 12 đối với các khoản vay ngắn hạn Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Thăng Long với số tiền hơn 86,6 tỷ đồng (lãi suất 7% - 8%), chủ nợ thứ hai là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) – chi nhánh Hoàng Quốc Việt với số tiền hơn 45,5 tỷ đồng (lãi suất 7,5% - 8%)...
Vinaconex 12 cho biết các khoản vay ngắn hạn được đảm bảo bằng tài sản cố định hữu hình có giá trị còn lại hơn 8 tỷ đồng, tài sản cố định vô hình có giá trị còn lại là hơn 6 tỷ đồng, bất động sản đầu tư và hợp đồng tiền gửi… Các khoản vay dài hạn đảm bảo bằng tài sản cố định hữu hình, riêng khoản vay cá nhân không có tài sản đảm bảo.
Đáng lưu ý, tài sản ngắn hạn của Vinaconex 12 tại thời điểm tới hơn 451,6 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là hơn 365,4 tỷ đồng (gồm: Ban điều hành thi công Giai đoạn 1 Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh 37 tỷ đồng, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam 103 tỷ đồng, và các khách hàng khác, tới hơn 224,8 tỷ đồng).
Cũng tại thời điểm kết thúc tài chính năm 2017, Vinaconex 12 ghi nhận nhận khoản nợ quá hạn hơn 40 tỷ đồng.
Vinaconex 12 bịt lối thoát hiểm theo yêu cầu của.... Cảnh sát PCCC?
Báo Sức khỏe & Môi trường mới đây có đăng tải bài viết liên quan đến dự án chung cư 57 Vũ Trọng Phụng (Hà Nội), theo đó Công ty Cổ phần xây dựng số 12 (Vinaconex 12) – chủ đầu tư tòa nhà chung cư 57 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) còn bị cư dân tố tự ý chuyển đổi công năng tầng 16 và chây ỳ không bàn giao phí bảo trì tòa nhà.
Pháp luật Plus xin trích đăng một số nội dung bài viết của Báo Sức khỏe & Môi trường: "Trong khi Trung ương đang chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế tối đa tình trạng cháy, nổ; bảo đảm an toàn cho người dân thì Vinaconex 12 lại làm một việc hết sức ngược đời, đó là bịt lối thoát hiểm tại tòa nhà chung, thuộc Tổ hợp Dịch vụ thương mại – Văn phòng và nhà ở để bán số 57 – Vũ Trọng Phụng (Tòa nhà chung cư 57 Vũ Trọng Phụng).
Một cư dân cho biết: Tòa nhà có tất cả 3 lối thoát hiểm, nhưng mới đây, không hiểu vì lý do gì, chủ đầu tư tự ý bịt một lối thoát hiểm. “Việc bịt lối thoát hiểm như vậy sẽ hạn chế khả năng thoát hiểm của cư dân khi có sự cố hỏa hoạn. Trường hợp cư dân nào không biết lối thoát hiểm đã bị bịt, khi xảy ra sự cố hỏa hoạn chạy vào lối thoát hiểm đó thì cơ hội sống sót hầu như không có. Đây có khác gì “lò thiêu... không lối thoát” đâu?”, cư dân này đặt vấn đề.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Thắng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Vinaconex 12) giải thích: “Tất cả các hạng mục trong tòa nhà đều đã được hoàn thiện và đã được nghiệm thu. Tòa nhà có 3 lối thoát hiểm nên bịt một lối lại theo yêu cầu... của Cảnh sát PCCC?”. Nhưng ông Thắng chưa đưa ra được bất kỳ văn bản nào chứng minh.
|
Cảnh nhếch nhác tại tầng 16. |
Theo hồ sơ, Tổ hợp Dịch vụ thương mại – Văn phòng và nhà ở để bán số 57 được Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 10, ngày 23.1.2009 cho Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông – thừa ủy quyền lại cho Vinaconex 12.
Giấy phép ghi rõ: Khối nhà ở để bán gồm 15 tầng, một tầng thượng, một tầng hầm và một tum.
Tầng thượng chính là tầng 16. Như Vinaconex 12 từng giới thiệu, thì tầng 16 bố trí tổ chức bộ phận dịch vụ chung cho công trình, gồm: Hệ thống nhà hàng, coffee bar. Song, theo phản ảnh của cư dân, hiện nay Vinaconex 12 đã phân tầng 16 ra làm nhiều căn hộ, với diện tích trung bình từ 30.40m2. Vinaconex 12 đã nhiều lần có ý định cho thuê các căn hộ tầng 16, nhưng gặp phải sự phản đối gay gắt của cư dân.
....Trao đổi với phóng viên, ông Thắng khẳng định đã thi công theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan chức năng phê duyệt. Ông Thắng thừa nhận, tầng 16 được xây nhằm làm dịch vụ. Tuy nhiên, do chưa có nhu cầu nên chưa bán và đưa vào sử dụng". (Hết trích đăng)
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.