Bất chấp tất cả, “mặt dày” dùng chiêu trò để được nổi tiếng, nhưng lại kèn cựa nhau từng tí một cho chút danh hão, đó là câu chuyện của nhiều nghệ sĩ thời nay lệch lạc trong quan niệm về “lòng tự trọng”.
|
Người đẹp Thư Dung có mặt ở giải Mai Vàng dù không được mời. |
Kẻ không mời mà đến, người có mời cũng không đến
Mới đây, Thư Dung, Á hậu một cuộc thi nhan sắc “ao làng”, nổi lên nhờ một loạt tai tiếng: Chụp ảnh khoe thân phản cảm, dính tới tin đồn bán dâm… lại một lần nữa gây ra scandal. Có mặt ở giải Mai Vàng, dù không được mời, Á hậu này diện một bộ váy màu sắc nổi bật, hở hang và kèm theo một ê kíp ồn ào hò reo, tung hô như fan hâm mộ, đồng thời cố tình “làm nổi” trên thảm đỏ bằng các hành động kệch cỡm.
Hành động này của Thư Dung đã khiến ban tổ chức giải thưởng khó xử, đồng thời cô cũng nhận được không biết bao nhiêu “gạch đá” từ phía công chúng. Cho dù sau đó đã có đăng đàn giải thích, nhưng Thư Dung vẫn không thể xoa dịu được dư luận vì thật khó giải thích cho hành động không mời mà tới và làm lố quá mức của mình.
Chuyện không mời mà tới, lợi dụng event của người khác để làm nổi cho bản thân không quá xa lạ trong làng giải trí Việt. Còn nhớ, khi “Bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh bắt đầu tạo scandal để dấn thân vào làng giải trí, cô cũng liên tục tự tới các sự kiện giải trí đình đám để được “ké” tên tuổi truyền thông.
Có một sự kiện uy tín nọ, ban tổ chức đã bị các khách mời uy tín, là nghệ sĩ gạo cội phản ứng vì thấy có sự hiện diện của “bà Tưng”. Tuy nhiên, sau đó BTC kiểm tra phát hiện cô cũng xin vé mời từ đâu không rõ để đi, dù không được mời. Người mẫu Hồng Quế cũng từng có lần không mời mà tới tại một sự kiện và mặc đồ “xuyên thấu” tới mức phản cảm, gây phẫn nộ cho các khách mời.
Điều đáng nói là mặc dù mượn các sự kiện nổi tiếng để tự tới nhằm đánh bóng hình ảnh, nhưng những người ngấp nghé làng giải trí này thay vì đạt kết quả như mong muốn, lại nhận toàn hậu quả, đó là sự bài xích, tẩy chay của người hâm mộ.
Ngược lại với những hành vi làm nổi bất chấp tại các sự kiện, thì một số nghệ sĩ có tiếng, có lòng tự trọng thì lại rất giữ gìn hình ảnh của mình tại các event. Mỹ Tâm, Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà… là những sao nổi tiếng cẩn trọng khi nhận lời đi dự sự kiện.
Ngoài các sự kiện liên quan đến văn hóa, nghệ thuật có uy tín, các “sao” này ít khi xuất hiện tại các sự kiện ồn ào, có tính chất quảng cáo thương hiệu. Như Mỹ Tâm, có nguyên tắc chỉ đến sự kiện với tư cách ca sĩ, chứ không phải đến “khơi khơi” để đánh bóng tên tuổi cho người kinh doanh, dù có được trả nhiều tiền.
“Sĩ” với nhau từng… tiếng nói
Trong làng giải trí Việt có nhiều cấp độ của “sao”. Ở những tầng cao, nghệ sĩ trông vào từng sản phẩm nghệ thuật, từng cống hiến… để phân định cao thấp, đẳng cấp trong nghề. Ở cấp độ thấp nhất là những người mới bước vào làng giải trí, nổi lên nhờ chiêu trò.
Không có tài năng, dĩ nhiên họ không thể lấy năng lực ra để phân tranh, so đo với nhau, thay vì đó, những “nghệ sĩ” nửa mùa này kèn cựa với nhau bằng những vật chất như quần áo, túi xách hàng hiệu, bằng nhà cửa, xe cộ và cả… đại gia chống lưng.
Ngọc Trinh, “nữ hoàng nội y”, “nữ hoàng thị phi” của showbiz Việt đồng thời cũng là người cực kì thích khoe hàng hiệu. Nào là túi hàng hiệu cả tỉ đồng, chi vài ba tỉ đồng mua quần áo hàng hiệu. Đó là chưa kể đến những lần đấu khẩu, kèn cựa của cô với các người đẹp, nhà thiết kế của showbiz để chứng minh ai xài hàng thật, ai xài hàng giả, ai “chịu chi” hơn ai…
Nhiều sao trẻ khác cũng dùng hàng hiệu để tạo “sĩ diện” cho mình. Thế nên mới có chuyện người này hôm nay mua túi xách trăm triệu, người khác ngay lập tức mua túi vài trăm triệu để “trên cơ”. “Sao” này hôm nay mua xế hộp 3 tỉ, người kia phải đi mua siêu xe để không thua kém.
Rồi mỗi lần mua hàng hiệu, phải post lên mạng xã hội kèm theo cả… hóa đơn để chứng minh mình xài hàng thật, không lại bị “hội chị em showbiz” dè bỉu. Đó là chưa kể đến chuyện có cả những người mua hàng hiệu giả, thuê xe thuê nhà, hoặc mua đồ để chụp hình rồi bán ngay, chỉ để tạo cho mình một hình ảnh lấp lánh, lòe người hâm mộ và đồng nghiệp.
Nói showbiz là thế giới “sống ảo” quả không sai khi mà cái “sĩ” cũng không thật tí nào. Người thì có thể bất chấp, giẫm đạp lên lòng tự trọng chỉ để mua lấy một phút nổi đình nổi đám, người thì lấy giá trị vật chất làm “danh dự” cho mình, thà chịu tốn tiền chứ không chịu thua kém đồng nghiệp.
Và với những “sao” như thế, tự trọng nghề nghiệp không được đo bằng năng lực mà bằng những giá trị ảo, thì khó mong có thể cống hiến được gì tốt đẹp cho làng nghệ thuật.