Kỳ nghỉ cuối tuần, nhiều báo phản ảnh về một trường hợp cán bộ lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã nghỉ hưu xin được cấp lại đất đã bị thu hồi. Ông này từng giữ những cương vị lãnh đạo rất cao của tỉnh: Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, Bí thư đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy.
|
Khu đất được cấp trái quy định cho nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh Đắk Nông có giá trị lớn |
Trong thời gian công tác, ông đã nhận hơn 40 ha đất rừng không đúng đối tượng và với hành vi này ông bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Ông đã nộp lại 7 “sổ đỏ” với diện tích 10 ha cho chính quyền địa phương và giờ thì “xin lại” với lý do đang kết hợp “có hiệu quả” với Trung tâm cây trồng trên đất này và “vì nghèo khó”, thêm nữa, “đã có hộ khẩu ở đây”.
Nói thẳng, ông đã lợi dụng chức vụ của mình để chiếm cứ đất rừng này của các gia đình nghèo khó thuộc đối tượng chính sách theo Nghị định 135. Bị kỷ luật, bị buộc thu hồi đất nhưng vẫn “xin lại” thì quả là ông không còn giữ thể diện cho mình và cho thể chế mà ông phục vụ. Điều đáng nói, dù bị cảnh cáo nhưng ông vẫn nhận Huân chương Lao động.
Có thể lý giải nào khác ngoài lòng tham? Tham của cải, đất đai, danh vị và danh hiệu, tất cả đã rõ ràng.
Tham thể hiện ở những chuyện khác trong đội ngũ cán bộ. Chẳng hạn, tổ chức đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm” cho những người sắp về hưu, thậm chí, đã hưu rồi những vẫn dẫn đoàn đi châu Âu “học tập”. Những “chuyến tàu vét” đi nước ngoài “tri ân” những người “cống hiến” cho sự nghiệp xây dựng đất nước bằng tiền ngân sách.
Trong 4 năm, ở 10 bộ, ngành và địa phương, Thanh tra chỉ ra con số 1.200 tỷ cho các chuyến đi “học tập” này. Không đi nước ngoài nhưng đến các điểm nghỉ mát, du lịch dưới hình thức tọa đàm, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình,... bằng tiền ngân sách cũng tương đối phổ biến.
Không chỉ tham đất, tham đi nước ngoài mà còn tham cả miếng ăn. Có cơ quan địa phương chi hàng tỷ đồng tiếp khách mỗi năm, có Ủy ban xã nợ đầm đìa các hàng quán tại địa phương. Tham còn thể hiện trong việc lợi dụng chính sách với người nghèo, người có công để hưởng lợi của những người được cho là “công bộc” của dân.
Vì lòng tham mà những cán bộ đó làm suy yếu, thậm chí đánh mất niềm tin của người dân vào chế độ. Đó là tội lớn đối với đất nước chứ không phải chỉ là bêu gương xấu thông thường. Đi ngược lại tất cả với chủ trương trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được quy định rõ ràng, dẫu không bị xử lý thì những cán bộ ấy trong mắt người dân chẳng còn tý giá trị nào!